Stem Cell Innovation là một cuộc thi học thuật uy tín do Viện Tế bào gốc và Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM tổ chức từ năm 2014. Trải qua 8 lần tổ chức, cuộc thi ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi từ các thí sinh và các đơn vị giáo dục trong và ngoài nước. Ở lần tổ chức thứ 9 này, cuộc thi đã được mở rộng quy mô và thay đổi hình thức tổ chức để phù hợp hơn với sứ mệnh ban đầu, hướng đến việc tìm kiếm những thí sinh xuất sắc cả về kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực tế bào gốc.
Sự thay đổi về hình thức ở lần thi thứ 9 không chỉ tạo ra những thách thức mới mà còn mang lại cơ hội quý giá cho các đội thi. Sau hai vòng thi, ban tổ chức đã chọn ra 24 đội có nền tảng vững chắc về sinh học, tế bào gốc và lão hóa để tiếp tục tranh tài ở hai vòng cuối cùng, nơi các đội sẽ đối mặt với những thử thách khó khăn hơn nhằm xác định nhà vô địch của mùa giải năm nay.
Điểm đặc biệt trong lần tổ chức này là đội quán quân không chỉ được vinh danh với những giải thưởng mà còn có cơ hội biến ý tưởng thành hiện thực, với sự đầu tư từ Viện Tế bào gốc để phát triển dự án của mình.
Đáp lại sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng những người theo dõi, Viện Tế bào gốc xin thông báo sự quay trở lại của chương trình học thuật về lĩnh vực tế bào gốc – STEM CELL TALK. Hai nội dung Stem Cell Course và Stem Cell Techtalk thuộc chương trình cùng được tái khởi động trong tháng 𝟏𝟏 này.
Nhằm nâng cao chất lượng trong từng số phát sóng và tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người theo dõi, chương trình đã có sự thay đổi về lịch phát sóng. Hãy cùng tìm hiểu về lịch phát sóng mới để không bỏ lỡ bất kỳ nội dung giá trị nào nhé!
STEM CELL COURSES
Thời gian phát sóng mới: 𝟗h – 𝟏𝟎h sáng, mỗi Chủ Nhật tuần và tuần của tháng.
Stem Cell Course được thiết kế đặc biệt cho những ai mới bắt đầu hoặc muốn củng cố nền tảng kiến thức về tế bào gốc, huyết tương giàu tiểu cầu, tế bào miễn dịch,… Stem Cell Courses cung cấp các bài giảng để người tham gia có cái nhìn tổng quan về các chủ đề trên.
Mỗi buổi học gồm 2 phần:
(1) Bài giảng kiến thức trong 30 phút.
(2) Trao đổi thảo luận trực tiếp với giảng viên trong 15-30 phút
STEM CELL TECHTALK
Thời gian phát sóng mới: 𝟗h – 𝟏𝟎h sáng sáng, mỗi Chủ Nhật tuần và tuần của tháng.
Stem Cell Techtalk là chuỗi các buổi báo cáo và thảo luận chuyên sâu với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, có nhiều năm kinh nghiệm. Stem Cell Techtalk là nơi mọi người sẽ được cập nhật những tiến bộ mới nhất trong công nghệ tế bào gốc, công nghệ tế bào miễn dịch, công nghệ huyết tương giàu tiểu cầu,…và hiện trạng ứng dụng trong lâm sàng.
Mỗi buổi báo cáo gồm 2 phần:
(1) Diễn giả chia sẻ các thông tin liên quan đến chủ đề trong 30 phút.
(2) Trao đổi thảo luận trực tiếp với diễn giả trong 30 phút.
Đây là chương trình hoàn toàn miễn phí được phát sóng trực tuyến trên nền tảng Zoom Facebook và Youtube của Viện Tế bào gốc.
Ngày 14/08/2024 vừa qua, GS. Stephen Dalton, Trường Đại học Trung văn Hồng Kông đã có buổi trao đổi học thuật tại Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo sư đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu về tế bào mỡ nâu, biệt hóa tế bào gốc vạn năng cảm ứng iPSC thành tế bào mỡ nâu, cảm ứng chuyển đổi tế bào mỡ trắng thành thế bào “beige adipocyte”, phương pháp đưa tế bào mỡ nâu vào trong cơ thể và một số kết quả thử nghiệm bước đầu trên mô hình động vật.
Ngày 27/7/2024, tại trụ sở Công ty TNHH Phát triển Khoa học Vitech, lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa Giữa Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM và Công ty TNHH Phát triển Khoa học Vitech (Vitech) đã diễn ra thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng y sinh tại Việt Nam.
Viện Tế bào gốc tự hào là một trong những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo y sinh học tại Việt Nam. Với sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao và phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến, chúng tôi luôn tìm kiếm những đối tác chiến lược cùng chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu chung trong suốt nhiều năm xây dựng và phát triển. Trong hành trình đó, Vitech là đơn vị hàng đầu với năng lực cung cấp thiết bị và công nghệ tiên tiến, đã và đang là một đối tác đáng tin cậy cùng đồng hành cùng Viện Tế bào gốc trên con đường chinh phục những góp phần quan trọng vào những bước tiến mới, tạo thêm nhiều giá trị quý giá hướng đến cộng đồng.
Tại buổi lễ, hai bên đã thảo luận và thống nhất một nội dung hợp tác đầy tiềm năng: thành lập Trung tâm Đào tạo Nuôi cấy tế bào (Cell Culture Training Center – CCTC). Dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia hàng đầu từ Viện Tế bào gốc và sự hỗ trợ thiết bị hiện đại từ Vitech, các khoá đào tạo từ CCTC sẽ luôn được cam kết tổ chức một cách bài bản và chuyên nghiệp, hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm hàng đầu, không chỉ về đào tạo mà còn trong việc giới thiệu các giải pháp công nghệ mới nhất đến cộng đồng nghiên cứu khoa học.
PGS.TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc (trái) và Mr. Trịnh Chiến – Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Vitech (phải) đại diện hai đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU)
Chúng tôi tin rằng, sự hợp tác giữa Viện Tế bào gốc và Vitech không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng khoa học và xã hội, vì một tương lai khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn.
Lễ ký kết biên bản hợp tác lần này là minh chứng cho cam kết của Viện Tế bào gốc trong việc không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Chúng tôi tự hào là đối tác chiến lược của Vitech và tin rằng, sự hợp tác này sẽ tiếp tục mang lại những thành công lớn lao, góp phần vào sự phát triển của ngành y sinh học tại Việt Nam.
Sáng ngày 12/06/2024, Tập thể nhân viên Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã có buổi Họp mặt kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Viện Tế bào gốc. Buổi họp mặt như một dấu ấn quan trọng để nhìn lại hành trình vừa qua và định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Buổi họp mặt vinh dự được đón tiếp Thầy Phan Kim Ngọc, Thầy Phạm Văn Phúc, Đại diện các anh chị đến từ Bệnh viện Đa khoa An Việt, các Thầy/cô PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, các sinh viên, cựu sinh viên, học viên, cựu học viên…
Tại buổi họp mặt, PGS. TS Phạm Văn Phúc, Viện Trưởng Viện Tế bào gốc đã chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Viện Tế bào gốc phải đối đầu trong nhiều năm qua. Nhưng với ý chí và nghị lực, tập thể Viện Tế bào gốc đã vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển, thể hiện rõ khát vọng vươn xa của tập thể Viện. Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Văn Phúc cũng chia sẻ những chiến lược mới, kế hoạch mới với mong muốn Viện Tế bào gốc không ngừng vươn xa.
Chúc cho Viện Tế bào gốc ngày càng lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Kính chúc Viện Tế bào gốc ngày càng thành công rực rỡ và trở thành thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực tế bào gốc trong nước và quốc tế !
Sáng ngày 14 tháng 06 năm 2024, Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM và Công ty BD LifeScience đã tổ chức Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác lần 2 giữa hai đơn vị và Hội thảo với nội dung đề cập đến những điểm mới trong ứng dụng Flow Cytometry trong nghiên cứu tế bào và tế bào gốc. Sự kiện thu hút nhiều khách tham dự và hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.
Lễ ký kết và Hội thảo vinh dự được đón tiếp nhiều quý vị đại biểu như PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện Trưởng Viện Tế bào gốc; Mr. Leslie Yap, Business Director, Life Science South East Asia; Bà Hồ Thị Uyên Khương, Country Business Director, BD Rep Office in VN; Miss. Madeline Lim, Clinical Marketing Manager, BDBiosciences, SEA; Bà Trần Hồng Bảo Quyên, Segment Marketing Leader, Life Sciences VN; Trương Xuân Đại, Segment Sales Leader, Life Sciences VN.
Mr. Leslie Yap, Business Director, Life Science South East Asia (áo vest, đeo cà vạt, đứng bên trái) và PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện Trưởng Viện Tế bào gốc (áo vest, đeo cà vạt, đứng bên phải) cùng đoàn đại biểu tại buổi lễ.
Buổi Hội thảo cập nhật các ứng dụng flow cytometry trong nghiên cứu tế bào và tế bào gốc cũng vinh dự khi nhận được sự góp mặt của các báo cáo viên nhiều kinh nghiệm trong ứng dụng FCM trong nhiều lĩnh vực như PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện Trưởng Viện Tế bào gốc; ThS Lê Đình Huấn Chuyên viên quản lý ứng dụng BD LifeScience Việt Nam; ThS Đặng Châu Ngô Hoàng, Kĩ thuật viên trưởng – Trung tâm thao tác tế bào, Đơn vị Tế bào gốc, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
Diễn giả PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện Trưởng Viện Tế bào gốc chia sẻ thông tin mới trong chủ đề “Cập nhật những ứng dụng FCM trong nghiên cứu liệu pháp tế bào và tế bào gốc”Chủ đề “Chuẩn hoá kỹ thuật FCM trong định danh và định lượng Tế bào gốc trên ứng dụng lâm sàng” với Diễn giả ThS Lê Đình Huấn Chuyên viên quản lý ứng dụng BD LifeScience Việt NamChủ đề “Ứng dụng FCM trong đơn vị lâm sàng về tế bào gốc” do diễn giả ThS Đặng Châu Ngô Hoàng, Kĩ thuật viên trưởng – Trung tâm thao tác tế bào, Đơn vị Tế bào gốc, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh trình bày tại Hội thảo.
Buổi hội thảo đã cung cấp cho người tham dự những thông tin mới, hữu ích cho quý vị về ứng dụng FCM trong nghiên cứu tế bào và tế bào gốc và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ quý khách tham dự.
Chương trình SCI Stem Cell Talks 2024 chính thức khởi động với số đầu tiên của hoạt động SCI STEM CELL COURSES (Bài giảng tế bào gốc) diễn ra vào 20h đến 21h các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần bắt đầu từ ngày 13/04/2024
Chủ đề thứ nhất của SCI Stem Cell Courses là “Đại cương về tế bào gốc” với nội dung là các kiến thức về tế bào gốc, các loại tế bào gốc, và hiện trạng ứng dụng tế bào gốc hiện nay trên các nhóm bệnh lý phổ biến như cơ xương khớp, bệnh lý về máu, tự miễn, đái tháo đường, tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư,… Đặc biệt chủ đề này còn giúp người tham gia tìm hiểu về các nguyên lý ứng dụng tế bào gốc trong các lĩnh vực khác nhau: thẫm mỹ, điều trị phục hồi chức năng, sản xuất thực phẩm và yếu tốt cốt lõi về công nghệ tế bào gốc.
Nội dung của chủ đề “Đại cương về tế bào gốc” được phân bổ trong 20 buổi học, mỗi buổi học gồm 2 phần: Bài giảng kiến thức trong 45 phút. Trao đổi thảo luận trực tiếp với giảng viên trong 15p. *Mỗi buổi học chỉ diễn ra 1 lần duy nhất.
Người đăng kí tham gia chương trình sẽ được nhận các quyền lợi: Được cấp link và mật khẩu để tham gia lớp học thông qua nền tảng Webex. Được trực tiếp tham gia lớp học và thảo luận với Giảng viên. ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN SAU KHI HOÀN THÀNH 100% CÁC BUỔI HỌC. GIỚI HẠN ĐĂNG KÍ LÀ 150 NGƯỜI Đăng kí ngay tại link: https://stemcellinstitute.wufoo.com/forms/z1cpx2ym1311iqu/
Ngày 26.1.2023, Viện Tế bào gốc- Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, đã hân hạnh được nhận lời mời tham gia lễ khai trương Đơn vị Phục hồi chức năng sau chấn thương tại Bệnh viện Phục hồi chức năng TP Đà Nẵng. Tại sự kiện, TS. Nguyễn Trường Sinh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ-Viện Tế bào gốc đã trình bày tham luận về Cơ chế hoạt động và ứng dụng trong lĩnh vực y học của Huyết tương giàu tiểu cầu.
Viện Tế bào gốc đã hợp tác chặt chẽ với Đơn vị Phục hồi chức năng sau chấn thương, để triển khai công nghệ chế tạo PRP, huyết tương giàu tiểu cầu, để điều trị các bệnh lý về khớp. Tại Phòng tiêm nội khớp của bệnh viện, chuyên gia sản phẩm của Viện Tế bào gốc cùng với đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện đã thành công trong việc chế tạo PRP sử dụng bộ kit được sản xuất tại Viện Tế bào gốc. Ngay sau đó, sản phẩm PRP từ máu tự thân của bệnh nhân đã được sử dụng để tiêm nội khớp cho bệnh nhân thoái hoá khớp gối đang điều trị tại bệnh viện.
TS. BS. Nguyễn Văn Dũng-Giám đốc bệnh viện phục hồi chức năng Tp Đà Năng, trong bài phát biểu của mình, đã đề xuất kế hoạch hợp tác liên tục giữa Viện Tế bào gốc và bệnh viện trong việc ứng dụng PRP cho điều trị các bệnh lý về cơ-xương-khớp. Ông cũng nhấn mạnh về tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc trong lộ trình phát triển bệnh viện.
Cũng tại buổi làm việc, ThS. Hà – Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện, đã đề xuất thiết lập mối liên kết chặt chẽ với Viện Tế bào gốc để mở các lớp đào tạo ngay tại chỗ, nhằm cập nhật kiến thức cho các bác sĩ tại khu vực Miền trung và Tây Nguyên về công nghệ tế bào gốc và ứng dụng của PRP trong điều trị các vấn đề liên quan đến xương khớp.
TS. Nguyễn Trường Sinh-Viện Tế bào gốc, báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học Phục hồi chức năng sau chấn thương.TS. Nguyễn Trường Sinh-Viện Tế bào gốc demo quy trình chế tạo PRP sử dụng bộ kit được sản xuất tại Viện Tế bào gốc.TS. BS. Nguyễn Văn Dũng-Giám đốc bệnh viện (ngoài cùng bên phải), cùng y bác sĩ của bệnh viện Phục hồi chức năng Tp Đà Nẵng (giữa), và TS. Nguyễn Trường Sinh-Viện Tế bào gốc (ngoài cùng bên trái), chụp hình lưu niệm.
Trong các số báo trước như chúng tôi đã thông tin, tế bào gốc đang trở thành xu hướng điều trị tiên tiến, hiệu quả và được quan tâm rất lớn ở tất cả các nước.
Ảnh: AFP.
Tuy nhiên hiện nay có nhiều phòng khám trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng tuyên bố cung cấp các phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc nhưng thực tế lại không đưa ra được hoặc không dựa trên những minh chứng khoa học cho hoạt động của mình.
Tế bào gốc hứa hẹn sẽ giúp chúng ta hiểu và điều trị một loạt các bệnh, chấn thương và các tình trạng liên quan đến sức khỏe khác. Tiềm năng của tế bào gốc đã được chứng minh thông qua các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm trong một thời gian dài. Ví dụ tế bào gốc tạo máu trong điều trị các bệnh về máu đã được chứng minh là một liệu pháp cứu sống hàng ngàn trẻ em mắc bệnh bạch cầu; Tế bào gốc trung mô để điều trị các bệnh hoặc tổn thương cho xương, da cũng đã được đề cập. Các thử nghiệm lâm sàng quan trọng liên quan đến tế bào gốc đang được tiến hành cho nhiều tình trạng bệnh khác và các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục khám phá những cách thức mới để sử dụng tế bào gốc trong y học.
Vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu để hiểu về tế bào gốc. Tuy nhiên, các ứng dụng hiện tại của tế bào gốc trong điều trị bệnh đôi khi bị giới truyền thông hay nhưng người không hiểu đầy đủ về khoa học tế bào gốc thổi phồng. Mặt khác, do các phòng khám lâm sàng hay các tổ chức môi giới luôn tìm cách thu hút thêm bệnh nhân bị bệnh mãn tính hoặc các tổn thương nặng nên họ thổi phồng phương pháp điều trị. Người bệnh cần sáng suốt trong việc hiểu biết cả tiềm năng và hạn chế của tế bào gốc hiện nay, từ đó phát hiện ra một số thông tin sai lệch được lưu hành rộng rãi bởi các phòng khám có cung cấp các phương pháp điều trị tế bào gốc chưa được chứng minh.
Dưới đây là “Chín điều cần biết về điều tri bệnh bằng tế bào gốc” để bệnh nhân có thể đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
1. Không nhiều bệnh sử dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Danh sách các bệnh được điều trị tế bào gốc với các kết quả được chứng minh là có lợi vẫn còn rất ngắn. Ví dụ ghép tế bào gốc tạo máu hay ghép tủy xương để điều trị một số rối loạn về hệ thống miễn dịch và máu hoặc để xây dựng lại hệ thống máu sau khi điều trị một số loại ung thư là phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc sớm nhất và được xác định tốt nhất cũng như được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Tại Việt Nam, một số bệnh viện đang áp dụng liệu pháp này như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện truyền máu-huyết học TP,HCM, Bệnh viện TƯQĐ 108, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Một số tổn thương bệnh về xương, da và giác mạc có thể được điều trị bằng cách cấy ghép mô, và quá trình chữa bệnh phụ thuộc vào các tế bào gốc trong mô cấy ghép này. Các quy trình này được chấp nhận rộng rãi là an toàn và hiệu quả bởi cộng đồng y tế. Tuy nhiên, tất cả các ứng dụng khác dùng tế bào gốc trong điều trị các bệnh trên vẫn chưa có nhiều cơ sở dữ liệu chứng minh an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, nếu phương pháp ghép tế bào gốc cho điều trị các bệnh này được giới thiệu thì nên xem đó là phương pháp có tính thử nghiệm cao.
Bệnh nhân nên cảnh giác với các phương pháp điều trị tế bào gốc được quảng cáo mà không có minh chứng khoa học, đặc biệt là minh chứng về sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước hoặc nếu có thì cần kiểm tra mình có phải là người nằm ngoài giới hạn của một thử nghiệm lâm sàng hợp pháp đã đăng ký hay chưa. Nghĩa là, một số bệnh được cơ quan quản lý cấp phép thử nghiệm điều trị lâm sàng nhưng giới hạn về số lượng bệnh nhân tham gia. Tuy nhiên, bệnh viện đó vẫn tiến hành điều trị cho bệnh nhân với số lượng vượt mức cho phép.
2. Bệnh nhân sẽ chịu thiệt thòi khi cố gắng thử điều trị bệnh bằng một phương pháp chưa được cấp phép.
Khi bệnh nhân đang mắc một căn bệnh mà ở thời điểm hiện tại, không có môt phương pháp điều trị nào hoặc có nhưng hiệu quả không có, thật dễ hiểu tại sao bệnh nhân “trong tình trạng không có gì để mất” thử một phương pháp mới, ngay cả khi phương pháp đó không được chứng minh bằng các minh chứng khoa học. Thật không may, trên thị trường luôn tồn tại những cơ sở khám chữa bệnh quảng cáo về các phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc nhưng họ lại chưa chứng minh được các cơ sở khoa học.
Khi bệnh nhân thử các phương pháp này, thường thì chi phí mà bệnh nhân phải trả có thể rất lớn. Ngoài chi phí điều trị, có thể phát sinh thêm phí chỗ ở hoặc các khoản phí khác. Trong hầu hết các trường hợp, các công ty bảo hiểm và các chương trình y tế của chính phủ không bao gồm chi phí điều trị cho các thử nghiệm kiểu này.
Nếu đơn vị cung cấp dịch vụ điều trị kèm theo gói du lịch (du lịch trị liệu), các chi phí khác có thể phát sinh bao gồm cả chi phí cho người thân, thời gian ở tại địa điểm điều trị nước ngoài và nhiều chi phí khác.
Mặt khác, các biến chứng tiềm tàng có thể tạo ra các vấn đề sức khỏe ngắn và dài hạn mới, làm cho tình trạng hoặc triệu chứng của bệnh nhân khó kiểm soát hơn.
Vì vậy, trước khi bệnh nhân quyết định thử nghiệm với một phương pháp điều trị mới mà chưa được chứng minh hoặc chưa được cấp phép, hãy đánh giá cẩn thận phương pháp điều trị đó.
3. Các loại tế bào gốc khác nhau phục vụ các mục đích khác nhau của cơ thể.
Trong cơ thể trưởng thành chứa nhiều loại tế bào gốc khác nhau với khả năng tái tạo dành riêng và đặc trưng cho mô đó. Các loại tế bào gốc này sở hữu khả năng sửa chữa tổn thương cụ thể và có hạn chế nhất định. Khi không có bất cứ tác động nào từ các thao tác trong phòng thí nghiệm, ở trong chính cơ thể, các tế bào gốc nội tại của từng mô chỉ có thể tạo ra các loại tế bào chức năng được tìm thấy trong chính mô mà chúng sống. Ví dụ các tế bào gốc tạo máu được tìm thấy trong tủy xương chỉ có thể tái tạo được các tế bào trong máu như hồng cầu, bạch cầu hay tiểu cầu. Hay các tế bào gốc thần kinh trong não chỉ có thể tạo ra các tế bào não. Một tế bào gốc tạo máu không thể đáp ứng được việc tạo ra tế bào thần kinh và ngược lại. Vì vậy, không có khả năng một loại tế bào đơn lẻ có thể được sử dụng để điều trị vô số bệnh không liên quan đến các mô hoặc cơ quan khác nhau.
Hãy cảnh giác với các tổ chức quảng cáo cung cấp phương pháp điều trị sử dụng loại tế bào gốc có nguồn gốc từ một vị trí trong cơ thể bệnh nhân nhưng lại không liên quan đến bệnh của bệnh nhân.
4. Sử dụng cùng một loại tế bào gốc với cùng một phương pháp để điều trị một cách có hiệu quả cho các loại tổn thương khác nhau là điều không thể
Bởi vì các tế bào gốc đặc trưng cho một số mô nhất định không thể tạo ra các tế bào được tìm thấy trong các mô khác mà không cần thao tác cẩn thận trong phòng thí nghiệm, nên rất khó có thể sử dụng cùng một loại tế bào gốc với cùng loại phương pháp để điều trị một cách có hiệu quả cho từng loại tổn thương mô và cơ quan trong cơ thể.
Ngày nay, các nhà khoa học đã có thể tạo ra một số loại tế bào chuyên biệt trong phòng thí nghiệm với tiềm năng biệt hóa cao, ví dụ như tế bào gốc phôi hay tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (iPS). Những tế bào này có khả năng hình thành tất cả các loại tế bào khác nhau trong cơ thể và mang đến một cơ hội thú vị để phát triển các chiến lược điều trị mới. Tuy nhiên, tế bào gốc phôi và tế bào iPS không phải là ứng cử viên tốt để được sử dụng trực tiếp làm phương pháp điều trị, vì chúng cần có sự chỉ dẫn cẩn thận để trở thành các tế bào cụ thể, cần thiết để tái tạo mô bị bệnh hoặc bị hư hại. Nếu không được hướng dẫn đúng cách, các tế bào gốc này có thể phát triển quá mức và gây ra khối u khi tiêm vào bệnh nhân.
Một sản phẩm công nghệ cao luôn chứa đựng hàng chục đến hàng trăm công nghệ thành phần khác nhau. Để được đưa ra thị trường, sản phẩm ấy đã trải qua nhiều bước phát triển từ nghiên cứu cơ bản, mà ở mỗi bước đó, công nghệ được hoàn thiện ở một mức độ nhất định; được gọi là mức độ sẵn sàng công nghệ. Thông thường, tại mỗi cơ sở, đơn vị tham gia vào trong chuỗi phát triển công nghệ chỉ có thể thực hiện một vài mức sẵn sàng công nghệ khác nhau. Nhận thức được thực trạng đó, Viện Tế bào gốc đã nỗ lực xây dựng Hệ sinh thái Viện tế bào gốc (SCI Ecosytem) với mỗi “quần xã, quần thể” trong hệ sinh thái đảm trách việc hoàn thiện một “mức độ sẵn sàng công nghệ” khác nhau. Bằng cách này, Viện tế bào gốc đã trở thành một quần thể trong hệ sinh thái tế bào gốc của Việt Nam, mà từ đó Viện có thể phát triển thành công nhiều công nghệ ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt điều trị bệnh và làm đẹp.
Tế bào gốc và tiềm năng công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam
Sự sống bắt đầu bằng tế bào gốc (stem cell), vậy tế bào gốc là mầm sống của một cơ thể. Tế bào phân chia tạo ra nhiều thế hệ con cháu, mỗi con cháu sẽ thực hiện một chức năng khác nhau trong hoạt động sống, kể cả duy trì nòi giống. Tính chất mà tế bào ban đầu phân chia, tạo ra các tế bào có chức năng gọi là tiềm năng hay khả năng (potential). Tế bào có tiềm năng cao có thể tạo ra nhiều kiểu tế bào khác nhau trong cơ thể.
Một điều rõ ràng rằng tế bào có tiềm năng lớn trong điều trị bệnh nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung. Vì thế, trên thế giới, tế bào gốc đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y học tế bào gốc, dược học tế bào gốc, thực phẩm tế bào gốc, mĩ phẩm tế bào gốc… Trong đó y học tế bào gốc đã mang lại những hiệu quả to lớn trong điều trị một số bệnh mạn tính, ung thư.
Đến nay, trên thế giới, tế bào gốc đã được sử dụng trong điều trị bệnh với hơn 100 bệnh lí khác nhau, trong đó có khoảng 50 quy trình điều trị đã trở thành quy trình điều trị thường quy. Ở Việt Nam, tế bào gốc đã bắt đầu sử dụng vào y học từ 1995 đến nay. Số bệnh lí được điều trị bằng tế bào gốc tăng đáng kể, cùng với số ca điều trị cũng tăng. Nhu cầu của bệnh nhân sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe là rất lớn.
Nút thắt cho sự phát triển tế bào gốc Việt Nam
Công nghệ tế bào gốc Việt Nam dù đã bắt đầu đã hơn 20 năm, sự phát triển của nó vẫn còn hạn chế bởi lẽ “nút thắt” của quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến các doanh nghiệp vẫn còn nguyên. Nút thắt đó chính là mức độ sẵn sàng công nghệ của tế bào gốc được hình thành trong phòng thí nghiệm còn quá thấp so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Nói đúng hơn, cái mà doanh nghiệp cần thì các nhà khoa học chưa có, cái nhà khoa học đã có thì doanh nghiệp họ không cần. Điều này đã đẩy mối liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp càng ngày càng xa.
Mức độ sẵn sàng công nghệ là gì?
Mức độ sẵn sàng công nghệ (TRL) là mức độ “trưởng thành” của công nghệ đạt được trong suốt quá trình phát triển công nghệ. Khái niệm TRL được phát triển tại NASA vào những năm 1970. Ở một số quốc gia, các dự án, đề tài nghiên cứu và đổi mới sáng tạo luôn được phân loại theo mức độ sẵn sàng công nghệ khi đánh giá và tài trợ. Việc đánh giá này góp phần đáng kể vào việc đánh giá đề tài và quản lí kết quả sau khi nghiệm thu.
Nhận thấy việc này, Viện Tế bào gốc đã tiến hành đánh giá các kết quả nghiên cứu của mình theo mức độ hoàn thiện công nghệ. Dựa vào mức độ trưởng thành này của công nghệ mà chúng tôi định hướng cho sự phát triển công nghệ đến mức trưởng thành và tìm các đối tác phù hợp với từng mức độ sẵn sàng công nghệ khác nhau.
Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM
Viện Tế bào gốc là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ tự chủ tài chính do Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành lập trên cơ sở PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc. Viện Tế bào gốc có nhiệm vụ chính là nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ. Toàn bộ ngân sách hoạt động của Viện là từ hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển giao công nghệ.
Thực hiện tự chủ tài chính ở mức độ tự chủ cao nhất, Viện tế bào gốc, ban đầu, gặp rất nhiều khó khăn về tài chính để trang trải cho mọi hoạt động của Viện. Hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ để mang lại kinh tế cho sự tồn tại của Viện vô cùng khó khăn. Bên cạnh, những khó khăn nhất định về sự cạnh tranh khốc liệt của công nghệ do Viện phát triển và công nghệ ngoại nhập, những khó khăn lớn hơn ở chỗ mức độ sẵn sàng công nghệ của Viện còn quá thấp so với nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp.
Trước những khó khăn đó, tập thể lãnh đạo và nhân viên của Viện đã phải suy nghĩ và xoay chuyển nhiều chiến lược khác nhau để có thể tiếp cận doanh nghiệp, nâng cao mức độ sẵn sàng công nghệ của mình và rút ngắn dần khoảng cách giữa Viện và doanh nghiệp. Viện Tế bào gốc đã nhận thấy rằng tự bản thân của Viện không thể ra đời được một sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người sử dụng mà cần phải có hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị nghiên cứu phát triển sản phẩm (Viện Tế bào gốc), đơn vị sản xuất sản phẩm (doanh nghiệp sản xuất), và đơn vị sử dụng sản phẩm (bệnh viện, cơ sở y tế, thẩm mĩ…)
Từ những suy nghĩ đó, Viện tế bào gốc đã bắt tay vào việc tìm kiếm các đối tác mà có thể tiếp nhận công nghệ của mình để đưa vào sản xuất, và cùng các doanh nghiệp sản xuất để tìm kiếm các đơn vị có thể sử dụng sản phẩm của mình. Với cách làm đó, 5 năm trôi qua, Viện đã hình thành cho mình được một tập hợp các đơn vị mà ở đó “dòng chảy” công nghệ được liền mạch từ các nghiên cứu của Viện đến các ứng dụng sử dụng sản phẩm trên bệnh nhân.
Hình thành hệ sinh thái tế bào gốc
Dựa trên mức độ hoàn thiện công nghệ của mình, Viện Tế bào gốc đã tìm kiếm đến các doanh nghiệp mà có thể tiếp cận công nghệ ở mức độ sẵn sàng đó để tìm kiếm sự hợp tác. Bằng cách làm đó, chúng tôi đã hình thành được một tập hợp các đơn vị hợp tác phát triển theo chuỗi hoàn thiện công nghệ, mà ở đó đầu vào của đơn vị này có thể là đầu ra của đơn vị kia. Các đơn vị có sự hợp tác hữu cơ với nhau tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho sự phát triển bền vững. “Chuỗi thức ăn” của hệ sinh thái này chính là công nghệ ở các trạng thái khác nhau. Trong “chuỗi thức ăn” đó, Viện Tế bào gốc vừa là đơn vị tiêu thụ công nghệ và cũng vừa là đơn vị sản xuất công nghệ cho đơn vị khác.
Hình 1. Các mức độ sẵn sàng công nghệ của các sản phẩm.
Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc (SCI Ecosystem)
Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc là tập hợp các đơn vị hợp tác theo chuỗi phát triển hoàn thiện công nghệ tế bào gốc. Đến nay, những nét chính trong hệ sinh thái này đã hình thành với các mức độ hoàn thiện công nghệ rõ ràng cùng với các đơn vị tham gia trong chuỗi này:
Mức TRL 1-2: PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, PTN Nghiên cứu Ung thư
Mức TRL 2-4: Viện Tế bào gốc (gồm các đơn vị CRD (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển), CBT (Trung tâm đào tạo Y sinh), LACU (PTN Chăm sóc và sử dụng động vật), LABA (PTN Đánh giá hoạt tính sinh học)
Mức TRL 5-7: Trung tâm Đổi mới sáng tạo và sản xuất thực nghiệm (CIPP)
Mức TRL 8-9: Công ty Geneworld, Công ty TNHH BVĐK Vạn Hạnh, Công ty TNHH The Cell và 12 đơn vị ứng dụng khác
Trong thời gian tới, Viện Tế bào gốc tiếp tục hợp tác các đối tác để hình thành Trung tâm thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc, Hội thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc quốc tế.
Hình 2. Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc sau 5 năm xây dựng. (Màu xanh (xanh dương và xanh jean): đã xây dựng; màu vàng: đang xây dựng; màu đỏ: chưa thành lập).
Sự hình thành ngày càng rõ nét của Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc đã khẳng định chiến lược phát triển và quy hoạch phát triển theo mức độ sẵn sàng công nghệ của Viện bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng kích lệ. Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành công và phát triển bền vững của Viện Tế bào gốc nói riêng và các đơn vị trong hệ sinh thái nói chung.
Phát triển hệ sinh thái với chiến lược chuyển giao công nghệ với giá trị 1.000 đồng
Làm sao tiếp tục phát triển hệ sinh thái tế bào gốc mà Viện Tế bào gốc đã xây dựng? Đó là câu hỏi tập thể lãnh đạo Viện luôn đặt lên hàng đầu. Sau khi phân tích nhiều chiến lược khác nhau, chúng tôi đã quyết định chọn chiến lược chuyển giao công nghệ với giá trị hợp đồng chỉ 1.000 đồng.
Tại sao như vậy? Trong cách làm truyền thống, các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra một khoảng đầu tư lớn để nhận chuyển giao công nghệ. Cách làm này mặc dù có thể thu được một nguồn tiền lớn từ doanh nghiệp cho đơn vị trong một thời gian ngắn; song ẩn chứa rất nhiều điểm bất lợi cho cả doanh nghiệp và cho Viện Tế bào gốc. Một số bất lợi như: (1) Các doanh nghiệp sẽ rất ngại để bỏ tiền mua một công nghệ trong khi công nghệ phát triển rất nhanh, (2) Việc chuyển giao này chỉ có thể một số doanh nghiệp lớn mới có đủ nguồn tài chính để quan tâm, các doanh nghiệp start-up gần như không đủ nguồn lực tài chính để mua những công nghệ này, (3) Rủi ro lớn cho các doanh nghiệp: việc thương mại hóa các sản phẩm tế bào gốc đòi hỏi rất nhiều thời gian và nhiều khó khăn, các doanh nghiệp rất khó phát triển các công nghệ thành sản phẩm khi không có sự đồng hành của Viện tế bào gốc, (4) Giá thành sản phẩm cao làm hạn chế người sử dụng: khi mua một công nghệ với giá trị lớn, các doanh nghiệp sẽ tính vào giá thành sẽ làm tăng đáng kể giá thành sản phẩm, (5) Sau khi chuyển giao các công nghệ (thường là độc quyền), Viện tế bào gốc sẽ rất khó khăn trong việc sử dụng công nghệ này kể cả trong nước, cũng như phát triển các công nghệ mới tốt hơn công nghệ hiện có do xung đột về quyền lợi.
Hình thức chuyển giao công nghệ với giá trị 1000 đồng có nhiều lợi ích như: (1) Ghi nhận đầy đủ quyền sở hữu công nghệ, quyền tác giả của công nghệ là Viện Tế bào gốc, (2) Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt kích thích các doanh nghiệp start-up có thể tiếp nhận, khai thác công nghệ, (3) Các doanh nghiệp sẽ không phải mất một lượng tiền lớn khi công nghệ không tốt, (4) Viện Tế bào gốc luôn đồng hành với doanh nghiệp trong suốt vòng đời công nghệ, (5) Các doanh nghiệp luôn được cập nhật công nghệ mới nhất khi Viện phát triển các công nghệ mới để thay thế hay nâng cấp công nghệ hiện có.
Viện Tế bào gốc sẽ có thu nhập từ đâu? Để thực hiện việc chuyển giao công nghệ với giá trị 1000 đồng, Viện Tế bào gốc sẽ đảm bảo quyền lợi nhóm nghiên cứu và quyền lợi của Viện thông qua 2 nguyên tắc: (1) nhóm tác giả của công trình sẽ được nhận 10% lợi nhuận khi công nghệ được thương mại hóa và được nhận trực tiếp từ đơn vị nhận công nghệ, (2) các công nghệ được phát triển thành các bí quyết công nghệ thông qua các sản phẩm là vật tư, dụng cụ, hóa chất, kit… tiêu hao mà đơn vị sử dụng công nghệ phải mua để thực hiện quy trình sản xuất sản phẩm theo quy trình công nghệ nhận chuyển giao từ Viện. Bằng cách này, Viện đã đồng hành với các doanh nghiệp, Viện chỉ có quyền lợi khi các doanh nghiệp có quyền lợi từ việc khai thác công nghệ của Viện. Các tác giả chỉ có quyền lợi khi công nghệ do họ nghiên cứu thật sự tốt và có thể mang lại giá trị kinh tế.
Những vấn đề này đã tạo nên một sức mạnh to lớn cho việc lôi kéo các doanh nghiệp sẵn sàng bước chân vào một hướng mới – hướng công nghệ tế bào gốc, và đặc biệt thúc đẩy việc nghiên cứu thật, kết quả thật và giá trị thật của một nghiên cứu.
Duy trì sự bền vững của hệ sinh thái tế bào gốc
Để duy trì sự bền vững của hệ sinh thái, Viện Tế bào gốc đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo sự bền vững này thông qua việc thực hiện các hoạt động quan trọng sau:
Tập huấn cập nhật kiến thức, công nghệ mới định kì cho các thành viên trong hệ sinh thái: đây là việc làm quan trọng mà Viện Tế bào gốc đã thực hiện trong nhiều năm qua. Lạc hậu công nghệ là một vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp vì nó làm giảm sức cạnh tranh, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Là đơn vị khởi sự cho hệ sinh thái tế bào gốc, Viện Tế bào gốc luôn là đơn vị tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ mới, kể cả “vá lỗi” công nghệ, và tập huấn, cập nhật toàn bộ những công nghệ mới này cho tất cả các doanh nghiệp là thành viên của hệ sinh thái của mình. Điều này giúp các doanh nghiệp luôn yên tâm để hợp tác với Viện Tế bào gốc.
Xây dựng sự nhận diện: để bảo vệ các thành viên trong hệ sinh thái của mình Viện Tế bào gốc phát triển mạng lưới tế bào gốc trong hệ sinh thái của mình, mà ở đó giúp bệnh nhân, khách hàng có thể nhận diện được những đơn vị nào đang sử dụng công nghệ tế bào gốc do Viện chuyển giao. Mạng lưới tế bào gốc Việt Nam (VNSCN) là một kết quả của hoạt động này.
Kiểm chuẩn cho sản phẩm và công nghệ: để đảm bảo việc thực hành, khai thác công nghệ tại các doanh nghiệp là đúng và chuẩn. Viện Tế bào gốc xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại theo tiêu chuẩn ISO17025 để trở thành đơn vị kiểm chuẩn ngoài cho các thành viên trong hệ sinh thái của mình. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp thực hành khai thác tốt công nghệ mà góp phần đáng kể trong việc đảm bảo chất lượng mang lại thương hiệu cho các công nghệ do Viện nghiên cứu, phát triển và chuyển giao.
Kết luận
Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm để phục vụ cho cuộc sống là một chuỗi các hoạt động để chuyển các khám phá, phát minh thành các giá trị mà con người có thể sử dụng và phục vụ cho cộng đồng. Trong năm năm qua, trong bối cảnh rất khó khăn để phát triển một ngành khoa học công nghệ mới, khó, Viện tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM đã bước đầu đưa các nghiên cứu về tế bào gốc trong phòng thí nghiệm đến bệnh viện và đến bệnh nhân. Hàng nghìn bệnh nhân đã được cứu chữa bằng các công nghệ do Viện tế bào gốc phát triển là minh chứng rõ ràng nhất cho một chiến lược phát triển phù hợp – đó là chiến lược xây dựng hệ sinh thái tế bào gốc của Viện. Sau 5 năm, xuất thân là một phòng thí nghiệm mà tập trung chính trong công tác đào tạo và nghiên cứu phục vụ đào tạo, Viện tế bào gốc đã xây dựng thành công hệ sinh thái tế bào gốc của riêng mình với hàng chục đơn vị tham gia trong hệ sinh thái này. Với cách làm này, Viện tế bào gốc luôn đặt niềm tin về sự phát triển bền vững của một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho tế bào gốc Việt Nam, mang lại không chỉ giá trị cho những thành viên trong hệ sinh thái mà quan trọng hơn là mang những giá trị của tế bào gốc để chăm sóc sức khỏe người bệnh.
PGS.TS. Phạm Văn Phúc
Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM