Sáng ngày 03/01/2023, ban lãnh đạo Công ty Vemedim đã có chuyến thăm và trao đổi hợp tác với Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM về công nghệ sản xuất tế bào gốc và exosome đóng gói thành các sản phẩm ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe thú cưng…
Trong chuyến thăm, Th.S Lê Quốc Túy – Phó Tổng Giám đốc Vemedim, đại diện đoàn làm việc của công ty Vemedim đã thể hiện mong muốn hợp tác với Viện Tế bào gốc để phát triển công nghệ sản xuất tế bào gốc và exosome. Đây là một bước đột phá để ứng dụng công nghệ này trong việc sản xuất các loại thuốc và thực phẩm chức năng cho vật nuôi, đặc biệt cho thú cưng.
PGS.TS Vũ Bích Ngọc- Trưởng Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Sản xuất thực nghiệm, Viện tế bào gốc đã giới thiệu về các công nghệ, dây chuyền sản xuất tế bào gốc và sản phẩm từ tế bào gốc và các ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe thú cưng. Trong đó nhấn mạnh, công nghệ sản xuất tế bào gốc, dịch tiết và exosome được Viện nghiên cứu và tối ưu hóa quy trình sản xuất với chi phí tối ưu cho sản xuất công nghiệp.
Nhãn hàng Regenvet của Viện Tế bào gốc tập trung sản xuất các sản phẩm nuôi cấy, phân lập tế bào gốc và các sản phẩm tiết của tế bào có nguồn gốc từ chó, mèo, ngựa… như bộ dụng cụ tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ động vậtVet-ADSC Extraction Kit 10, Môi trường nuôi cấy để thu exosome và chất tiết từ tế bào gốc trung mô động vật Vet-MSCCult OTS MV…
Đoàn làm việc của Vemedim đã thăm cơ sản nghiên cứu và sản xuất của Viện Tế bào gốc. Viện Tế bào gốc có cơ sở hạ tầng và dây chuyền sản xuất sản phẩm được đầu tư đồng bộ và đạt chứng nhận ISO 13485:2016 và ISO 17025:2017.
Đây là một cơ hội tốt để hai tổ chức hợp tác trong lĩnh vực phát triển sản phẩm vật nuôi đầy tiềm năng. Viện Tế bào gốc là một tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về tế bào gốc và ứng dụng của chúng trong lĩnh vực y tế và đời sống. Trong khi đó, Vemedim là một công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho động vật. Sự kết hợp giữa hai tổ chức sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên, đồng thời cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp vật nuôi.
Được thành lập và khởi đầu phát triển từ ngày 22/05/1992. Hiện nay, Vemedim có khu sản xuất rộng 6,6 ha đặt tại Châu Thành, Hậu Giang cùng với đó là hệ thống chi nhánh trải dài khắp Việt Nam và 42 nhà phân phối tại các thị trường lớn trên thế giới. Chính vì vậy, Tổng công ty CP sản xuất kinh doanh vật tư và thuốc thú y Vemedim – gọi tắt là Vemedim Corporation luôn là thương hiệu sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc thú y – thủy sản đứng đầu tại Việt Nam.
Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc Stem Cell Innovation lần 8 – 2023 chính thức nhận hồ sơ đăng kí dự thi từ ngày 15/09/2023 đến 15/10/2023
Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc Stem Cell Innovation được tổ chức thường niên bởi Viện Tế bào gốc và PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM với mục đích tạo ra sân chơi học tập và nghiên cứu cho tất cả học sinh, sinh viên và học viên cao học yêu thích lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, y học, dược học và nông nghiệp, các lĩnh vực có liên quan đến tế bào, tế bào gốc trên người và động vật. Cuộc thi còn là sân chơi để kích thích khả năng sáng tạo để giải quyết các vấn đề về sinh học ứng dụng và y dược đáp ứng các yêu cầu của xã hội.
Trong năm nay, Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc Stem Cell Innovation lần 8 đã chính thức nhận hồ sơ đăng kí dự thi từ các đội trên toàn quốc. Với chủ đề ““To INFINITY and beyond!” (Đến vô cùng và xa hơn nữa), Chúng tôi mong muốncác đội thi được tự do lựa chọn đối tượng nghiên cứu, hay phương pháp tiếp cận; tuy nhiên, ý tưởng sáng tạo của đội cần đưa ra những phương án, giải pháp… nhằm giải quyết các thách thức và vấn đề phổ biến nhất trong xã hội hiện tại như sức khoẻ con người, y tế, thực phẩm, thuốc…
Tại cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc Stem Cell Innovation lần 8, chúng tôi chia các đội thi thành 2 bảng:
Bảng Tế bào gốc: dành cho nhóm đối tượng là học sinh THPT và sinh viên năm 1.
Bảng Tế bào trưởng thành: dành cho nhóm đối tượng là sinh viên năm 2, năm 3, năm 4 và học viên cao học các trường đại học, cao đẳng.
Với cách chia bảng đổi mới, chúng tôi mong muốn mang lại nhiều cơ hội và sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các đội thi.
Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc Stem Cell Innovation lần 8 có tổng giá trị giải thưởng lên đến 150 triệu đồng và nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học dành cho các đội thi. Trong đó, hệ thống giải thưởng chính của cuộc thi bao gồm 01 giải nhất 20.000.000 VNĐ và Khóa đào tạo nuôi cấy tế bào gốc, 01 giải nhì: 10.000.000 VNĐ và Khóa đào tạo nuôi cấy tế bào động vật, 01 giải ba: 5.000.000 VNĐ và Khóa đào tạo nuôi cấy tế bào động vật, 07 giải khuyến khích: các đội còn lại: 1.000.000 VNĐ/đội và voucher giảm 50% khóa đào tạo được lựa chọn do Trung tâm Đào tạo Y sinh, Viện Tế bào gốc tổ chức.
Trong các số báo trước như chúng tôi đã thông tin, tế bào gốc đang trở thành xu hướng điều trị tiên tiến, hiệu quả và được quan tâm rất lớn ở tất cả các nước.
Tuy nhiên hiện nay có nhiều phòng khám trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng tuyên bố cung cấp các phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc nhưng thực tế lại không đưa ra được hoặc không dựa trên những minh chứng khoa học cho hoạt động của mình.
Tế bào gốc hứa hẹn sẽ giúp chúng ta hiểu và điều trị một loạt các bệnh, chấn thương và các tình trạng liên quan đến sức khỏe khác. Tiềm năng của tế bào gốc đã được chứng minh thông qua các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm trong một thời gian dài. Ví dụ tế bào gốc tạo máu trong điều trị các bệnh về máu đã được chứng minh là một liệu pháp cứu sống hàng ngàn trẻ em mắc bệnh bạch cầu; Tế bào gốc trung mô để điều trị các bệnh hoặc tổn thương cho xương, da cũng đã được đề cập. Các thử nghiệm lâm sàng quan trọng liên quan đến tế bào gốc đang được tiến hành cho nhiều tình trạng bệnh khác và các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục khám phá những cách thức mới để sử dụng tế bào gốc trong y học.
Vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu để hiểu về tế bào gốc. Tuy nhiên, các ứng dụng hiện tại của tế bào gốc trong điều trị bệnh đôi khi bị giới truyền thông hay nhưng người không hiểu đầy đủ về khoa học tế bào gốc thổi phồng. Mặt khác, do các phòng khám lâm sàng hay các tổ chức môi giới luôn tìm cách thu hút thêm bệnh nhân bị bệnh mãn tính hoặc các tổn thương nặng nên họ thổi phồng phương pháp điều trị. Người bệnh cần sáng suốt trong việc hiểu biết cả tiềm năng và hạn chế của tế bào gốc hiện nay, từ đó phát hiện ra một số thông tin sai lệch được lưu hành rộng rãi bởi các phòng khám có cung cấp các phương pháp điều trị tế bào gốc chưa được chứng minh.
Dưới đây là “Chín điều cần biết về điều tri bệnh bằng tế bào gốc” để bệnh nhân có thể đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
1. Không nhiều bệnh sử dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Danh sách các bệnh được điều trị tế bào gốc với các kết quả được chứng minh là có lợi vẫn còn rất ngắn. Ví dụ ghép tế bào gốc tạo máu hay ghép tủy xương để điều trị một số rối loạn về hệ thống miễn dịch và máu hoặc để xây dựng lại hệ thống máu sau khi điều trị một số loại ung thư là phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc sớm nhất và được xác định tốt nhất cũng như được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Tại Việt Nam, một số bệnh viện đang áp dụng liệu pháp này như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện truyền máu-huyết học TP,HCM, Bệnh viện TƯQĐ 108, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Một số tổn thương bệnh về xương, da và giác mạc có thể được điều trị bằng cách cấy ghép mô, và quá trình chữa bệnh phụ thuộc vào các tế bào gốc trong mô cấy ghép này. Các quy trình này được chấp nhận rộng rãi là an toàn và hiệu quả bởi cộng đồng y tế. Tuy nhiên, tất cả các ứng dụng khác dùng tế bào gốc trong điều trị các bệnh trên vẫn chưa có nhiều cơ sở dữ liệu chứng minh an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, nếu phương pháp ghép tế bào gốc cho điều trị các bệnh này được giới thiệu thì nên xem đó là phương pháp có tính thử nghiệm cao.
Bệnh nhân nên cảnh giác với các phương pháp điều trị tế bào gốc được quảng cáo mà không có minh chứng khoa học, đặc biệt là minh chứng về sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước hoặc nếu có thì cần kiểm tra mình có phải là người nằm ngoài giới hạn của một thử nghiệm lâm sàng hợp pháp đã đăng ký hay chưa. Nghĩa là, một số bệnh được cơ quan quản lý cấp phép thử nghiệm điều trị lâm sàng nhưng giới hạn về số lượng bệnh nhân tham gia. Tuy nhiên, bệnh viện đó vẫn tiến hành điều trị cho bệnh nhân với số lượng vượt mức cho phép.
2. Bệnh nhân sẽ chịu thiệt thòi khi cố gắng thử điều trị bệnh bằng một phương pháp chưa được cấp phép.
Khi bệnh nhân đang mắc một căn bệnh mà ở thời điểm hiện tại, không có môt phương pháp điều trị nào hoặc có nhưng hiệu quả không có, thật dễ hiểu tại sao bệnh nhân “trong tình trạng không có gì để mất” thử một phương pháp mới, ngay cả khi phương pháp đó không được chứng minh bằng các minh chứng khoa học. Thật không may, trên thị trường luôn tồn tại những cơ sở khám chữa bệnh quảng cáo về các phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc nhưng họ lại chưa chứng minh được các cơ sở khoa học.
Khi bệnh nhân thử các phương pháp này, thường thì chi phí mà bệnh nhân phải trả có thể rất lớn. Ngoài chi phí điều trị, có thể phát sinh thêm phí chỗ ở hoặc các khoản phí khác. Trong hầu hết các trường hợp, các công ty bảo hiểm và các chương trình y tế của chính phủ không bao gồm chi phí điều trị cho các thử nghiệm kiểu này.
Nếu đơn vị cung cấp dịch vụ điều trị kèm theo gói du lịch (du lịch trị liệu), các chi phí khác có thể phát sinh bao gồm cả chi phí cho người thân, thời gian ở tại địa điểm điều trị nước ngoài và nhiều chi phí khác.
Mặt khác, các biến chứng tiềm tàng có thể tạo ra các vấn đề sức khỏe ngắn và dài hạn mới, làm cho tình trạng hoặc triệu chứng của bệnh nhân khó kiểm soát hơn.
Vì vậy, trước khi bệnh nhân quyết định thử nghiệm với một phương pháp điều trị mới mà chưa được chứng minh hoặc chưa được cấp phép, hãy đánh giá cẩn thận phương pháp điều trị đó.
3. Các loại tế bào gốc khác nhau phục vụ các mục đích khác nhau của cơ thể.
Trong cơ thể trưởng thành chứa nhiều loại tế bào gốc khác nhau với khả năng tái tạo dành riêng và đặc trưng cho mô đó. Các loại tế bào gốc này sở hữu khả năng sửa chữa tổn thương cụ thể và có hạn chế nhất định. Khi không có bất cứ tác động nào từ các thao tác trong phòng thí nghiệm, ở trong chính cơ thể, các tế bào gốc nội tại của từng mô chỉ có thể tạo ra các loại tế bào chức năng được tìm thấy trong chính mô mà chúng sống. Ví dụ các tế bào gốc tạo máu được tìm thấy trong tủy xương chỉ có thể tái tạo được các tế bào trong máu như hồng cầu, bạch cầu hay tiểu cầu. Hay các tế bào gốc thần kinh trong não chỉ có thể tạo ra các tế bào não. Một tế bào gốc tạo máu không thể đáp ứng được việc tạo ra tế bào thần kinh và ngược lại. Vì vậy, không có khả năng một loại tế bào đơn lẻ có thể được sử dụng để điều trị vô số bệnh không liên quan đến các mô hoặc cơ quan khác nhau.
Hãy cảnh giác với các tổ chức quảng cáo cung cấp phương pháp điều trị sử dụng loại tế bào gốc có nguồn gốc từ một vị trí trong cơ thể bệnh nhân nhưng lại không liên quan đến bệnh của bệnh nhân.
4. Sử dụng cùng một loại tế bào gốc với cùng một phương pháp để điều trị một cách có hiệu quả cho các loại tổn thương khác nhau là điều không thể
Bởi vì các tế bào gốc đặc trưng cho một số mô nhất định không thể tạo ra các tế bào được tìm thấy trong các mô khác mà không cần thao tác cẩn thận trong phòng thí nghiệm, nên rất khó có thể sử dụng cùng một loại tế bào gốc với cùng loại phương pháp để điều trị một cách có hiệu quả cho từng loại tổn thương mô và cơ quan trong cơ thể.
Ngày nay, các nhà khoa học đã có thể tạo ra một số loại tế bào chuyên biệt trong phòng thí nghiệm với tiềm năng biệt hóa cao, ví dụ như tế bào gốc phôi hay tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (iPS). Những tế bào này có khả năng hình thành tất cả các loại tế bào khác nhau trong cơ thể và mang đến một cơ hội thú vị để phát triển các chiến lược điều trị mới. Tuy nhiên, tế bào gốc phôi và tế bào iPS không phải là ứng cử viên tốt để được sử dụng trực tiếp làm phương pháp điều trị, vì chúng cần có sự chỉ dẫn cẩn thận để trở thành các tế bào cụ thể, cần thiết để tái tạo mô bị bệnh hoặc bị hư hại. Nếu không được hướng dẫn đúng cách, các tế bào gốc này có thể phát triển quá mức và gây ra khối u khi tiêm vào bệnh nhân.
Đoàn kết nội bộ là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công sứ mạng của Viện Tế bào gốc. Trên quan điểm đó, Viện Tế bào gốc đã triển khai chương trình “Tăng cường đoàn kết nội bộ và xây dựng văn hóa đơn vị” từ ngày 01/04/2021 cho tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang theo học tại Viện. Chương trình được triển khai thực hiện bởi các đơn vị Phòng Thông tin truyền thông và Tổ chức sự kiện, Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, Phòng Tổ chức hành chính và Công tác sinh viên, chi Đoàn cán bộ trẻ và Công Đoàn bộ phận Viện Tế bào gốc. Chương trình gồm 4 nội dung và 12 hoạt động được diễn ra xuyên suốt trong mỗi tháng, vào giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc hành chính mỗi ngày.
Nội dung Đoàn kết tự hào truyền thống gồm các hoạt động như Chào cờ và sinh hoạt dướicờ được thực hiện vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần. Ở hoạt động này, toàn thể cán bộ nhân viên, người lào động của Viện sẽ mặc lễ phục của Viện. Lãnh đạo Viện sẽ trình bày, thông tin các kết quả hoạt động tuần trước, cũng như được trao đổi và chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ trong tuần tiếp theo. Ngày thứ hai ấm áplà một trong những hoạt động nổi bật của nội dung này. Trong hoạt động này, Viện sẽ tổ chức mừng sinh nhật của người lao động với cách thức tổ chức ấm cúng cùng với lời chúc tuổi mới thành công, đã giúp khoảng cách giữa những thành viên trong Viện được rút ngắn hơn. Ngày thứ sáu đoàn kết, người lao động sẽ mặc đồng phục áo thun của Viện.
Ở nội dung Kết nối vùng miền, nổi bật là hoạt động Ngày thứ năm đặc sản, hoạt động này nhằm giới thiệu những đặc sản quê hương của từng người lao động trong Viện. Qua đây, người lao động vừa được nghe và được thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của các vùng miền như Bình Thuận, Bình Định, Bình Phước, Hà Nội, Thái Nguyên hay Tp. Hồ Chí Minh. Cùng với hoạt động này, bản đồ quê hương được hoàn thiện nhân dịp 30/4, bản đồ đất nước bằng gỗ được định vị bằng những khuôn mặt của người lao động hiện diện trong phòng truyền thống của Viện nhằm đưa thông tin quê hương của người lao động trong Viện.
Ở nội dung Kết nối tri thức, hai hoạt động của Câu lạc bộ Tạp chí và Câu lạc bộ tiếng Anh cũng được triển khai vào mỗi thứ 3 và thứ 5 mỗi tuần thu hút đông đảo sinh viên cũng như người lao động tham gia, hoạt động này nhằm chia sẻ những công bố khoa học hấp dẫn, mới nhất liên quan đến lĩnh vực tế bào gốc cũng như y sinh tái tạo. Được thực hiện như một buổi ăn trưa vui vẻ nên những chia sẻ về kiến thức khoa học cũng dễ gần và tạo cảm giác thoải mái hơn cho người tham dự.
Hình 4. Thầy Nguyễn Trường Sinh với chia sẻ về Vai trò Exosome đối với kháng thuốc ung thư
Sức khỏe luôn là một yếu tố mà mỗi cá nhân luôn gìn giữ và rèn luyện, ở nội dung Kết nối sức mạnh này, nhằm đưa người lao động đoàn kết hơn các hoạt động thể dụng thể thao như ngày thứ năm khỏe mạnh đã được triển khai. Sau giờ làm việc, người lao động chạy bộ và rèn luyện sức khỏe cùng nhau. Bên cạnh đó các hoạt động chào mừng sinh nhật Viện lần 4 cũng diễn ra sôi nổi như Giải bóng đá giao hữu giữa các phòng ban trong viện.
Hình 5. Hoạt động ngày thứ năm khỏe mạnh
Viện Tế bào gốc đang xây dựng môi trường làm việc, nghiên cứu, giảng dạy hướng đến sự chuyên nghiệp, đạt được chất lượng cao trong hoạt động khoa học-công nghệ và đào tạo, và xây dựng một tập thể đoàn kết, với những nét đẹp “văn hóa Viện tế bào gốc” riêng.
Phan Lữ Chính Nhân – Phó Viện trưởng Viện Tế bào gốc
Sáng ngày 29.9.2020, tập thể sinh viên thuộc Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc đã tổ chức buổi tổng kết năm học 2019-2020. Đến dự buổi tổng kết có sự hiện diện của PGS.TS Phạm Văn Phúc_Viện Trưởng Viện Tế bào gốc, ThS. Phan Lữ Chính Nhân_ Phó viện trưởng Viện Tế Bào Gốc và các thầy/cô của Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc.
Buổi tổng kết nhằm đánh giá, báo cáo hoạt động của sinh viên trong năm học vừa qua, đặc biệt là các sinh viên năm 4 vừa hoàn thành xong khóa luận tốt nghiệp của mình tại Viện và PTN. Theo đó, trong năm học 2019-2020, Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc có 36 sinh viên, học viên cao học. Trong đó có 11 sinh viên vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, trở thành tân cử nhân khoa học. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm học do ảnh hưởng của dịch Covid 19, các sinh viên của Viện Tế bào gốc và PTN đã cố gắng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, nghiên cứu của mình. Sinh viên và Lê Thị Dung và Phan Thị Hồng Thủy đã đạt thành tích xuất sắc trong buổi báo cáo trước hội đồng Sinh học và Công nghệ sinh học.
Tại buổi tổng kết, Các bạn sinh viên đã nhận được giấy chứng nhận học tập tại Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc. Cô Tô Hoàng Việt Xuân, phó trưởng phòng Tổ chức hành chính và công tác sinh viên đã báo cáo tổng kết hoạt động. Thầy Phạm Văn Phúc thay mặt Viện Tế Bào Gốc gửi đến các em những lời cảm ơn, những lời chúc vì đã đi cùng Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc trong hành trình sinh viên của mình. Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc mãi là nhà, là nơi luôn chào đón các bạn.
Sinh viên Lê Hưng Phát thay mặt các sinh viên chia sẻ về năm học vừa qua và gửi lời cảm ơn đến các thầy/ cô đã tận tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm đến với các bạn sinh viên
Bên cạnh đó, buổi tổng kết đã trở nên thân mật, đầy cảm xúc bởi những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” tươi trẻ đến từ các bạn sinh viên.
Buổi tổng kết đã khép lại một hành trình, và chắc chắn rằng hành trình mới sẽ mở ra đầy tươi mới với các bạn. Hi vọng, các bạn sinh viên sẽ đồng hành cùng nhau trên chặn đường sắp đến như lời bài ca mà các bạn đã hát lên cùng nhau “MÃI NHƯ NGÀY HÔM NAY”. Và chắc chắn rằng Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc sẽ mãi là ngôi nhà thứ hai của các bạn .
Một sản phẩm công nghệ cao luôn chứa đựng hàng chục đến hàng trăm công nghệ thành phần khác nhau. Để được đưa ra thị trường, sản phẩm ấy đã trải qua nhiều bước phát triển từ nghiên cứu cơ bản, mà ở mỗi bước đó, công nghệ được hoàn thiện ở một mức độ nhất định; được gọi là mức độ sẵn sàng công nghệ. Thông thường, tại mỗi cơ sở, đơn vị tham gia vào trong chuỗi phát triển công nghệ chỉ có thể thực hiện một vài mức sẵn sàng công nghệ khác nhau. Nhận thức được thực trạng đó, Viện Tế bào gốc đã nỗ lực xây dựng Hệ sinh thái Viện tế bào gốc (SCI Ecosytem) với mỗi “quần xã, quần thể” trong hệ sinh thái đảm trách việc hoàn thiện một “mức độ sẵn sàng công nghệ” khác nhau. Bằng cách này, Viện tế bào gốc đã trở thành một quần thể trong hệ sinh thái tế bào gốc của Việt Nam, mà từ đó Viện có thể phát triển thành công nhiều công nghệ ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt điều trị bệnh và làm đẹp.
Tế bào gốc và tiềm năng công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam
Sự sống bắt đầu bằng tế bào gốc (stem cell), vậy tế bào gốc là mầm sống của một cơ thể. Tế bào phân chia tạo ra nhiều thế hệ con cháu, mỗi con cháu sẽ thực hiện một chức năng khác nhau trong hoạt động sống, kể cả duy trì nòi giống. Tính chất mà tế bào ban đầu phân chia, tạo ra các tế bào có chức năng gọi là tiềm năng hay khả năng (potential). Tế bào có tiềm năng cao có thể tạo ra nhiều kiểu tế bào khác nhau trong cơ thể.
Một điều rõ ràng rằng tế bào có tiềm năng lớn trong điều trị bệnh nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung. Vì thế, trên thế giới, tế bào gốc đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y học tế bào gốc, dược học tế bào gốc, thực phẩm tế bào gốc, mĩ phẩm tế bào gốc… Trong đó y học tế bào gốc đã mang lại những hiệu quả to lớn trong điều trị một số bệnh mạn tính, ung thư.
Đến nay, trên thế giới, tế bào gốc đã được sử dụng trong điều trị bệnh với hơn 100 bệnh lí khác nhau, trong đó có khoảng 50 quy trình điều trị đã trở thành quy trình điều trị thường quy. Ở Việt Nam, tế bào gốc đã bắt đầu sử dụng vào y học từ 1995 đến nay. Số bệnh lí được điều trị bằng tế bào gốc tăng đáng kể, cùng với số ca điều trị cũng tăng. Nhu cầu của bệnh nhân sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe là rất lớn.
Nút thắt cho sự phát triển tế bào gốc Việt Nam
Công nghệ tế bào gốc Việt Nam dù đã bắt đầu đã hơn 20 năm, sự phát triển của nó vẫn còn hạn chế bởi lẽ “nút thắt” của quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến các doanh nghiệp vẫn còn nguyên. Nút thắt đó chính là mức độ sẵn sàng công nghệ của tế bào gốc được hình thành trong phòng thí nghiệm còn quá thấp so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Nói đúng hơn, cái mà doanh nghiệp cần thì các nhà khoa học chưa có, cái nhà khoa học đã có thì doanh nghiệp họ không cần. Điều này đã đẩy mối liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp càng ngày càng xa.
Mức độ sẵn sàng công nghệ là gì?
Mức độ sẵn sàng công nghệ (TRL) là mức độ “trưởng thành” của công nghệ đạt được trong suốt quá trình phát triển công nghệ. Khái niệm TRL được phát triển tại NASA vào những năm 1970. Ở một số quốc gia, các dự án, đề tài nghiên cứu và đổi mới sáng tạo luôn được phân loại theo mức độ sẵn sàng công nghệ khi đánh giá và tài trợ. Việc đánh giá này góp phần đáng kể vào việc đánh giá đề tài và quản lí kết quả sau khi nghiệm thu.
Nhận thấy việc này, Viện Tế bào gốc đã tiến hành đánh giá các kết quả nghiên cứu của mình theo mức độ hoàn thiện công nghệ. Dựa vào mức độ trưởng thành này của công nghệ mà chúng tôi định hướng cho sự phát triển công nghệ đến mức trưởng thành và tìm các đối tác phù hợp với từng mức độ sẵn sàng công nghệ khác nhau.
Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM
Viện Tế bào gốc là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ tự chủ tài chính do Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành lập trên cơ sở PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc. Viện Tế bào gốc có nhiệm vụ chính là nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ. Toàn bộ ngân sách hoạt động của Viện là từ hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển giao công nghệ.
Thực hiện tự chủ tài chính ở mức độ tự chủ cao nhất, Viện tế bào gốc, ban đầu, gặp rất nhiều khó khăn về tài chính để trang trải cho mọi hoạt động của Viện. Hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ để mang lại kinh tế cho sự tồn tại của Viện vô cùng khó khăn. Bên cạnh, những khó khăn nhất định về sự cạnh tranh khốc liệt của công nghệ do Viện phát triển và công nghệ ngoại nhập, những khó khăn lớn hơn ở chỗ mức độ sẵn sàng công nghệ của Viện còn quá thấp so với nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp.
Trước những khó khăn đó, tập thể lãnh đạo và nhân viên của Viện đã phải suy nghĩ và xoay chuyển nhiều chiến lược khác nhau để có thể tiếp cận doanh nghiệp, nâng cao mức độ sẵn sàng công nghệ của mình và rút ngắn dần khoảng cách giữa Viện và doanh nghiệp. Viện Tế bào gốc đã nhận thấy rằng tự bản thân của Viện không thể ra đời được một sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người sử dụng mà cần phải có hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị nghiên cứu phát triển sản phẩm (Viện Tế bào gốc), đơn vị sản xuất sản phẩm (doanh nghiệp sản xuất), và đơn vị sử dụng sản phẩm (bệnh viện, cơ sở y tế, thẩm mĩ…)
Từ những suy nghĩ đó, Viện tế bào gốc đã bắt tay vào việc tìm kiếm các đối tác mà có thể tiếp nhận công nghệ của mình để đưa vào sản xuất, và cùng các doanh nghiệp sản xuất để tìm kiếm các đơn vị có thể sử dụng sản phẩm của mình. Với cách làm đó, 5 năm trôi qua, Viện đã hình thành cho mình được một tập hợp các đơn vị mà ở đó “dòng chảy” công nghệ được liền mạch từ các nghiên cứu của Viện đến các ứng dụng sử dụng sản phẩm trên bệnh nhân.
Hình thành hệ sinh thái tế bào gốc
Dựa trên mức độ hoàn thiện công nghệ của mình, Viện Tế bào gốc đã tìm kiếm đến các doanh nghiệp mà có thể tiếp cận công nghệ ở mức độ sẵn sàng đó để tìm kiếm sự hợp tác. Bằng cách làm đó, chúng tôi đã hình thành được một tập hợp các đơn vị hợp tác phát triển theo chuỗi hoàn thiện công nghệ, mà ở đó đầu vào của đơn vị này có thể là đầu ra của đơn vị kia. Các đơn vị có sự hợp tác hữu cơ với nhau tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho sự phát triển bền vững. “Chuỗi thức ăn” của hệ sinh thái này chính là công nghệ ở các trạng thái khác nhau. Trong “chuỗi thức ăn” đó, Viện Tế bào gốc vừa là đơn vị tiêu thụ công nghệ và cũng vừa là đơn vị sản xuất công nghệ cho đơn vị khác.
Hình 1. Các mức độ sẵn sàng công nghệ của các sản phẩm.
Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc (SCI Ecosystem)
Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc là tập hợp các đơn vị hợp tác theo chuỗi phát triển hoàn thiện công nghệ tế bào gốc. Đến nay, những nét chính trong hệ sinh thái này đã hình thành với các mức độ hoàn thiện công nghệ rõ ràng cùng với các đơn vị tham gia trong chuỗi này:
Mức TRL 1-2: PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, PTN Nghiên cứu Ung thư
Mức TRL 2-4: Viện Tế bào gốc (gồm các đơn vị CRD (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển), CBT (Trung tâm đào tạo Y sinh), LACU (PTN Chăm sóc và sử dụng động vật), LABA (PTN Đánh giá hoạt tính sinh học)
Mức TRL 5-7: Trung tâm Đổi mới sáng tạo và sản xuất thực nghiệm (CIPP)
Mức TRL 8-9: Công ty Geneworld, Công ty TNHH BVĐK Vạn Hạnh, Công ty TNHH The Cell và 12 đơn vị ứng dụng khác
Trong thời gian tới, Viện Tế bào gốc tiếp tục hợp tác các đối tác để hình thành Trung tâm thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc, Hội thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc quốc tế.
Hình 2. Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc sau 5 năm xây dựng. (Màu xanh (xanh dương và xanh jean): đã xây dựng; màu vàng: đang xây dựng; màu đỏ: chưa thành lập).
Sự hình thành ngày càng rõ nét của Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc đã khẳng định chiến lược phát triển và quy hoạch phát triển theo mức độ sẵn sàng công nghệ của Viện bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng kích lệ. Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành công và phát triển bền vững của Viện Tế bào gốc nói riêng và các đơn vị trong hệ sinh thái nói chung.
Phát triển hệ sinh thái với chiến lược chuyển giao công nghệ với giá trị 1.000 đồng
Làm sao tiếp tục phát triển hệ sinh thái tế bào gốc mà Viện Tế bào gốc đã xây dựng? Đó là câu hỏi tập thể lãnh đạo Viện luôn đặt lên hàng đầu. Sau khi phân tích nhiều chiến lược khác nhau, chúng tôi đã quyết định chọn chiến lược chuyển giao công nghệ với giá trị hợp đồng chỉ 1.000 đồng.
Tại sao như vậy? Trong cách làm truyền thống, các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra một khoảng đầu tư lớn để nhận chuyển giao công nghệ. Cách làm này mặc dù có thể thu được một nguồn tiền lớn từ doanh nghiệp cho đơn vị trong một thời gian ngắn; song ẩn chứa rất nhiều điểm bất lợi cho cả doanh nghiệp và cho Viện Tế bào gốc. Một số bất lợi như: (1) Các doanh nghiệp sẽ rất ngại để bỏ tiền mua một công nghệ trong khi công nghệ phát triển rất nhanh, (2) Việc chuyển giao này chỉ có thể một số doanh nghiệp lớn mới có đủ nguồn tài chính để quan tâm, các doanh nghiệp start-up gần như không đủ nguồn lực tài chính để mua những công nghệ này, (3) Rủi ro lớn cho các doanh nghiệp: việc thương mại hóa các sản phẩm tế bào gốc đòi hỏi rất nhiều thời gian và nhiều khó khăn, các doanh nghiệp rất khó phát triển các công nghệ thành sản phẩm khi không có sự đồng hành của Viện tế bào gốc, (4) Giá thành sản phẩm cao làm hạn chế người sử dụng: khi mua một công nghệ với giá trị lớn, các doanh nghiệp sẽ tính vào giá thành sẽ làm tăng đáng kể giá thành sản phẩm, (5) Sau khi chuyển giao các công nghệ (thường là độc quyền), Viện tế bào gốc sẽ rất khó khăn trong việc sử dụng công nghệ này kể cả trong nước, cũng như phát triển các công nghệ mới tốt hơn công nghệ hiện có do xung đột về quyền lợi.
Hình thức chuyển giao công nghệ với giá trị 1000 đồng có nhiều lợi ích như: (1) Ghi nhận đầy đủ quyền sở hữu công nghệ, quyền tác giả của công nghệ là Viện Tế bào gốc, (2) Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt kích thích các doanh nghiệp start-up có thể tiếp nhận, khai thác công nghệ, (3) Các doanh nghiệp sẽ không phải mất một lượng tiền lớn khi công nghệ không tốt, (4) Viện Tế bào gốc luôn đồng hành với doanh nghiệp trong suốt vòng đời công nghệ, (5) Các doanh nghiệp luôn được cập nhật công nghệ mới nhất khi Viện phát triển các công nghệ mới để thay thế hay nâng cấp công nghệ hiện có.
Viện Tế bào gốc sẽ có thu nhập từ đâu? Để thực hiện việc chuyển giao công nghệ với giá trị 1000 đồng, Viện Tế bào gốc sẽ đảm bảo quyền lợi nhóm nghiên cứu và quyền lợi của Viện thông qua 2 nguyên tắc: (1) nhóm tác giả của công trình sẽ được nhận 10% lợi nhuận khi công nghệ được thương mại hóa và được nhận trực tiếp từ đơn vị nhận công nghệ, (2) các công nghệ được phát triển thành các bí quyết công nghệ thông qua các sản phẩm là vật tư, dụng cụ, hóa chất, kit… tiêu hao mà đơn vị sử dụng công nghệ phải mua để thực hiện quy trình sản xuất sản phẩm theo quy trình công nghệ nhận chuyển giao từ Viện. Bằng cách này, Viện đã đồng hành với các doanh nghiệp, Viện chỉ có quyền lợi khi các doanh nghiệp có quyền lợi từ việc khai thác công nghệ của Viện. Các tác giả chỉ có quyền lợi khi công nghệ do họ nghiên cứu thật sự tốt và có thể mang lại giá trị kinh tế.
Những vấn đề này đã tạo nên một sức mạnh to lớn cho việc lôi kéo các doanh nghiệp sẵn sàng bước chân vào một hướng mới – hướng công nghệ tế bào gốc, và đặc biệt thúc đẩy việc nghiên cứu thật, kết quả thật và giá trị thật của một nghiên cứu.
Duy trì sự bền vững của hệ sinh thái tế bào gốc
Để duy trì sự bền vững của hệ sinh thái, Viện Tế bào gốc đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo sự bền vững này thông qua việc thực hiện các hoạt động quan trọng sau:
Tập huấn cập nhật kiến thức, công nghệ mới định kì cho các thành viên trong hệ sinh thái: đây là việc làm quan trọng mà Viện Tế bào gốc đã thực hiện trong nhiều năm qua. Lạc hậu công nghệ là một vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp vì nó làm giảm sức cạnh tranh, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Là đơn vị khởi sự cho hệ sinh thái tế bào gốc, Viện Tế bào gốc luôn là đơn vị tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ mới, kể cả “vá lỗi” công nghệ, và tập huấn, cập nhật toàn bộ những công nghệ mới này cho tất cả các doanh nghiệp là thành viên của hệ sinh thái của mình. Điều này giúp các doanh nghiệp luôn yên tâm để hợp tác với Viện Tế bào gốc.
Xây dựng sự nhận diện: để bảo vệ các thành viên trong hệ sinh thái của mình Viện Tế bào gốc phát triển mạng lưới tế bào gốc trong hệ sinh thái của mình, mà ở đó giúp bệnh nhân, khách hàng có thể nhận diện được những đơn vị nào đang sử dụng công nghệ tế bào gốc do Viện chuyển giao. Mạng lưới tế bào gốc Việt Nam (VNSCN) là một kết quả của hoạt động này.
Kiểm chuẩn cho sản phẩm và công nghệ: để đảm bảo việc thực hành, khai thác công nghệ tại các doanh nghiệp là đúng và chuẩn. Viện Tế bào gốc xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại theo tiêu chuẩn ISO17025 để trở thành đơn vị kiểm chuẩn ngoài cho các thành viên trong hệ sinh thái của mình. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp thực hành khai thác tốt công nghệ mà góp phần đáng kể trong việc đảm bảo chất lượng mang lại thương hiệu cho các công nghệ do Viện nghiên cứu, phát triển và chuyển giao.
Kết luận
Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm để phục vụ cho cuộc sống là một chuỗi các hoạt động để chuyển các khám phá, phát minh thành các giá trị mà con người có thể sử dụng và phục vụ cho cộng đồng. Trong năm năm qua, trong bối cảnh rất khó khăn để phát triển một ngành khoa học công nghệ mới, khó, Viện tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM đã bước đầu đưa các nghiên cứu về tế bào gốc trong phòng thí nghiệm đến bệnh viện và đến bệnh nhân. Hàng nghìn bệnh nhân đã được cứu chữa bằng các công nghệ do Viện tế bào gốc phát triển là minh chứng rõ ràng nhất cho một chiến lược phát triển phù hợp – đó là chiến lược xây dựng hệ sinh thái tế bào gốc của Viện. Sau 5 năm, xuất thân là một phòng thí nghiệm mà tập trung chính trong công tác đào tạo và nghiên cứu phục vụ đào tạo, Viện tế bào gốc đã xây dựng thành công hệ sinh thái tế bào gốc của riêng mình với hàng chục đơn vị tham gia trong hệ sinh thái này. Với cách làm này, Viện tế bào gốc luôn đặt niềm tin về sự phát triển bền vững của một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho tế bào gốc Việt Nam, mang lại không chỉ giá trị cho những thành viên trong hệ sinh thái mà quan trọng hơn là mang những giá trị của tế bào gốc để chăm sóc sức khỏe người bệnh.
PGS.TS. Phạm Văn Phúc
Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM
VIỆN TẾ BÀO GỐC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN, ĐHQG-HCM VINH DỰ NHẬN ĐƯỢC BẰNG KHEN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỚI THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU XUẤT SẮC TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC NGÀNH GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2016-2020
Chúc mừng Viện Tế Bào Gốc, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM
Sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh Covid-19 không còn là ý tưởng mới. Đến hôm nay đã có 69 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sử dụng tế bào gốc điều trị Covid-19 đăng kí trên trang clinicaltrials.gov. Vậy các công nghệ của Viện Tế bào gốc nghiên cứu, phát triển có thể ứng dụng trong quy trình điều trị Covid-19 không? Bài phân tích của PGS.TS. Phạm Văn Phúc và TS. Vũ Bích Ngọc mới đây được xuất bản trên Tạp chí World Journal of Stem Cells nêu quan điểm về việc sử dụng tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn người trong điều trị Covid-19, đặc biệt là sử dụng công nghệ off-the-shelf mà Viện Tế bào gốc đã phát triển (Công nghệ Modulatist).
Tên đầy đủ của bài báo là: Off-the-shelf mesenchymal stem cells from human umbilical cord tissue can significantly improve symptoms in coronavirus disease-2019patients: An analysis of evidential relations
Chúng tôi lượt trích một số ý của bài viết dưới đây:
Tương tự các bệnh lý do nhiễm virut khác, các tế bào nhiễm virut SARS-CoV-2 cũng bị nhận diện và tiêu diệt bởi hệ miễn dịch của bệnh nhân. Khi nhiều cơ quan bị nhiễm virut, hệ miễn dịch sẽ tấn công để tiêu diệt virut và các tế bào nhiễm virut thông qua việc hoạt hóa hàng loạt tế bào miễn dịch, đặc biệt là tế bào diệt tự nhiên, mà giải phóng hàng loạt các yếu tố viêm. Việc giải phóng hàng loạt yếu tố viêm như IL-2, IL-6, IL-7, GCSF, TNF alpha… gọi là bão cytokine. Những cytokine này đồng thời tác động lên tế bào nhiễm virut và kể cả tế bào bình thường trong cơ thể (tế bào không nhiễm virut) gây nên các tình trạng nghiêm trọng như phù nề, suy chức năng hô hấp, tổn thương thận…
Vậy tế bào gốc trung mô điều trị Covid-19 bằng cách nào? Hiện nay có 3 giả thuyết cho cơ chế điều trị bằng tế bào gốc trung mô trên bệnh nhân Covid-19:
Tác động trực tiếp lên virut SARS-CoV-2
Chưa có nghiên cứu nào công bố rằng tế bào gốc trung mô có thể tiêu diệt virut SARS-CoV-2; nhưng một số báo cáo đã cho thấy tác động của tế bào gốc trung mô lên vi khuẩn và virut. Có một báo cáo cho thấy dịch tiết từ tế bào gốc trung mô có thể ức chế sự nhân lên của virut HBV và HCV
Tác động lên hệ miễn dịch của bệnh nhân
Với khả năng điều biến miễn dịch mạnh, tế bào gốc trung mô có thể ức chế các tế bào miễn dịch tiết ra các yếu tố viêm, ức chế quá trình hoạt hóa tế bào T. Một nghiên cứu tại Trung Quốc, Leng và cộng sự đã điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng tế bào gốc trung mô cho thấy rằng việc ghép tế bào gốc đã làm giảm CRP và TNF-alpha.
Kích thích hàng gắn tổn thương
Dưới tác động của các yếu tố viêm, hàng loạt tế bào trong cơ thể bị tổn thương. Tế bào gốc trung mô đã được chứng minh là có thể phục hồi các tổn thương hiệu quả nhờ vào việc tiết ra các yếu tố kích thích tăng trưởng.
Cơ chế điều trị Covid-19 của tế bào gốc trung mô.
Công nghệ thuốc tế bào gốc Modulatist của Viện Tế bào gốc là thích hợp sử dụng trong quy trình điều trị Covid-19
Modulatist được chứng minh là có tác động điều biến miễn dịch mạnh mẽ hơn so với các tế bào gốc trung mô thu từ mô mỡ và tủy xương. Quan trọng hơn, các tế bào gốc trung mô đồng loài thu từ dây rốn (Modulatist) đã được sử dụng hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong một nghiên cứu trước của nhóm của Viện Tế bào gốc với Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
Sử dụng sản phẩm thuốc tế bào gốc Modulatist nên như thế nào?
Về mặt lâm sàng, bệnh nhân Covid-19 có thể có 2 giai đoạn bệnh dựa vào đáp ứng miễn dịch đối với virut Sars-CoV-2. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn ủ bệnh mà hệ miễn dịch của bệnh nhân cố gắng loại bỏ virut. Giai đoạn 2 là giai đoạn mà hệ miễn dịch bệnh nhân thất bại quá trình loại bỏ virut. Ở giai đoạn đầu, một số chiến lược tăng cường hệ miễn dịch bệnh nhân có thể áp dụng. Do đó, việc ghép tế bào gốc trung mô nên tiến hành ở giai đoạn 2.
Bài viết này chỉ nêu lên quan điểm của tác giả trong việc sử dụng tế bào gốc trung mô off-the-shelf để điều trị Covid-19 dựa trên các chứng cứ khoa học hiện có. Bài viết này không phải là kết quả từ nghiên cứu điều trị Covid-19.
Nhận thấy nhu cầu được nâng cao trình độ tay nghề của các đối tượng học viên đã tốt nghiệp, đã đi làm ở các trung tâm, phòng thí nghiệm và trường học trên các nội dung như Kỹ thuật nuôi cấy tế bào, tế bào gốc, kỹ thuật phân tích phân tách tế bào, tế bào gốc hoặc phân tách ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu hoặc hơn nữa là viết bản thảo bài báo khoa học, Trung tâm Đào tạo Y sinh của Viện Tế bào gốc – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Tp. Hồ Chí minh mở các chương trình đào tạo chuyên sâu các lớp học như sau
1. Khóa đào tạo ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Đây là khoá học dành cho cán bộ công nhân viên chức làm việc tại các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở được cấp phép sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu, nhưng chưa qua đào tạo về thao tác thu nhận và sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu trong y tế hoặc các cán bộ đang công tác tại cơ quan liên quan có nhu cầu được đào tạo lại, cập nhật các kiến thức kỹ năng về huyết tương giàu tiểu cầu.
Khóa học cung cấp kiến thức nâng cao và kĩ năng triển khai phân lập và sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu từ chế phẩm máu trong các cơ sở y tế. Khóa học bao gồm 20 tiết lý thuyết và 10 tiết thực hành kéo dài trong vòng 1 tuần.
Học phần lý thuyết
Học viên sẽ được trang bị về kỹ thuật thao tác vô trùng, đại cương về huyết học, huyết tương giàu tiểu cầu trong cơ thể, ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu và kỹ thuật phân tách huyết tương giàu tiểu cầu.
Học phần thực hành
Học viên sẽ được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp với các bộ kit có sẵn được sản xuất tại Viện Tế bào gốc.
Học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận bởi Trung tâm đào tạo y sinh của Viện Tế bào gốc. Lớp sẽ được khai giảng hàng tháng. Vui lòng xem tài liệu đính kèm về học phí và nội dung học chi tiết.
Khóa học Kỹ thuật nuôi cấy tế bào động vật ung cấp kiến thức cơ bản và kĩ năng nuôi cấy tế bào động vật trong phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng.
Yêu cầu tiên quyết của khóa học này là học viên cần được trang bị trước Đại cương về tế bào học và An toàn sinh học trong nghiên cứu và thực hành. Khóa học chia thành 2 mức độ: cơ bản và nâng cao.
Khóa học cơn bản bao gồm 85 tiết học bao gồm 25 tiết lý thuyết và 60 tiết thực hành kéo dài trong vòng 3 tuần liên tục.
Khóa học nâng cao gồm 185 tiết bao gồm 45 tiết lý thuyết và 140 tiết thực hành kéo dài trong vòng 6 tuần liên tục.
+ Ở học phần lý thuyết học viên sẽ được khái quát từ Kỹ thuật thao tác vô trùng, đến khái niệm tế bào gốc, tiềm năng và ứng dụng cũng như sinh học tế bào khi nuôi cấy, cách tăng sinh, duy trì, bảo quản và hoạt hóa tế bào, kiến thức lớp nâng cao trên tế bào gốc thu từ mô dây rốn, tế bào gốc thu từ mô mỡ người.
+ Ở học phần thực hành, học viên sẽ được trải nghiệm sử dụng và luyện tập trên các trang thiết bị hiện đại nhất phục vụ cho nuôi cấy sơ cấp, thứ cấp, tăng sinh, đông lạnh và hoạt hoát tế bào. Ngoài ra ở lớp nâng cao, học viên được trang bị các kiến thức và thực tập trên các dòng tế bào gốc trung mô thu từ mô dây rốn người đồng thời vận hành đơn vị tế bào gốc theo GMP.
Học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận bởi Trung tâm đào tạo y sinh của Viện Tế bào gốc. Các lớp nuôi cấy tế bào sẽ được khai giảng 2 tháng một lần. Vui lòng xem tài liệu đính kèm về học phí và nội dung học chi tiết.
Dòng chảy tế bào (FCM) là công cụ mạnh mẽ, hiện đại hỗ trợ phân tích, định danh tế bào dưới dạng dòng chảy tế bào. Kỹ thuật phân tích dòng chảy tế bào đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu tế bào người. Chương trình “Phân tích dòng chảy tế bào” là chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng kỹ thuật phân tích dòng chảy tế bào trong nghiên cứu. Chương trình thuộc Trung tâm Đào tạo FCM Quốc gia SCI-BD dưới sự hợp tác của Viện Tế bào gốc và BD Bioscience.
Mục tiêu của khóa học nhằm giúp học viên nắm được cơ chế hoạt động của phương pháp “Phân tích dòng chảy tế bào”, có thể thiết kế, thực hiện và phân tích kết quả thí nghiệm với một hoặc nhiều thông số và chuẩn hóa và tối ưu hóa phương pháp, đảm bảo chất lượng kết quả thu được.
Lớp FCM cơ bản sẽ được khai giảng 2 tháng một khóa và lớp FCM nâng cao sẽ được khai giảng 3 tháng một khóa
Khóa học được phân thành 2 mức độ: cơ bản và nâng cao, kéo dài trong thời gian 2 ngày cho 1 khóa học. Học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận bởi Trung tâm đào tạo y sinh của Viện Tế bào gốc. Vui lòng xem tài liệu đính kèm về học phí và nội dung học chi tiết.
4. Khóa đào tạo viết bản thảo khoa học “How to write a manuscript”
How to write a manuscript là chương trình đào tạo viết bản thảo khoa học để công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học. Chương trình được chính PGS. TS Phạm Văn Phúc xây dựng trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm của ông làm công tác Tổng biên tập, phản biện viên và tác giả của hơn 150 bài báo khoa học, hơn 50 sách và chương sách. Hiện nay, PGS. TS Phạm Văn Phúc là Tổng biên tập của 05 tạp chí; trong đó có 03 tạp chí quốc tế (thuộc Web of Science, Scopus). Hiện nay ông là editor của Nhà xuất bản Springer-Nature, IntechOpen, BiomedPress. Chương trình đào tạo này được tổ chức trên cơ sở hợp tác giữa NXB Biomedpress và Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM.
Khóa học được chia thành 3 loại
Thứ nhất là Phương pháp viết bản thảo khoa học cho đối tượng Bài nghiên cứu
Thứ 2 là Phương pháp viết bản thảo khoa học cho đối tượng Bài tổng quan tường thuật
Thứ 3 là Phương pháp viết bản thảo khoa học cho đối tượng Bài tổng quan phân tích hệ thống và phân tích đa trung tâm
Sau khóa học học viên sẽ có khả năng viết bản thảo khoa học cho từng đối tượng.
Cán bộ giảng chính của toàn chương trình đào tạo: PGS.TS. Phạm Văn Phúc.
Chương trình học sẽ cung cấp cho học viên các kiến thức và kĩ năng cơ bản để viết bản thảo bài báo khoa học.
Học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận bởi Trung tâm đào tạo y sinh của Viện Tế bào gốc. Các lớp viết bản thảo bài báo khoa học sẽ được khai giảng 2 tháng một lần. Vui lòng xem tài liệu đính kèm về học phí và nội dung học chi tiết.