Author: pvphuc

  • Cấy ghép tế bào sụn tự thân

    Tổn thương sụn khớp (còn được gọi là tổn thương sụn), hoặc tổn thương cả sụn và xương bên dưới (còn được gọi là tổn thương xương khớp), đều không có khả năng tự sửa chữa và dẫn đến kết quả gây ra chứng đau khớp và chức năng kém.

    Các tổn thương như vậy thường gặp sau chấn thương, và nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm xương khớp. Khớp đầu gối thường bị ảnh hưởng nhất. Bệnh nhân trên 60 tuổi bị viêm xương khớp có nhiều khả năng phải thay khớp gối toàn phần. Tuy nhiên, bệnh nhân trẻ tuổi phải đối mặt với một vấn đề, đó là do khớp thay thế có tuổi thọ hạn chế, sau 10-15 năm bệnh nhân phải thay khớp mới, khi này tuổi của bệnh nhân đã lớn. Đồng thời, khi thay khớp gối lần thứ hai phải đối mặt với các kỹ thuật phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với thay khớp lần đầu.

    Quy trình cấy ghép tế bào sụn tự thân

    Do đó, các kỹ thuật nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo sụn trong (hyaline) trở nên rất hấp dẫn, vì chúng vừa giúp sửa chữa mô, vừa cho phép bệnh nhân trẻ thực hiện được các hoạt động sinh hoạt trước đó. Kỹ thuật như vậy là được gọi là kỹ thuật cấy tế bào sụn tự thân (ACI).

    ACI là một quy trình tương đối mới, hiện đại được sử dụng để điều trị các tổn thương toàn bộ (xuống xương) sụn khớp. Đây là kỹ thuật để tái tạo sụn trong trong một khu vực bị tổn thương hoặc bị hư hỏng của khớp thông qua việc cấy ghép các tế bào sụn. Kỹ thuật này đã được sử dụng rộng rãi kể từ khi nó được giới thiệu vào những năm 1980. Nó đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt cho điều trị các tổn thương sụn nằm ở cuối xương đùi. Ngoài các khớp khác của cơ thể, ACI cũng đã được thực hiện cho các tổn thương của xương bánh chè (đầu gối). ACI đã đạt được kết quả lâu dài tuyệt vời, cả về sửa chữa sụn và giúp bệnh nhân trở lại hoạt động như trước đó. Cấy tế bào sụn tự thân là một quy trình phẫu thuật hai giai đoạn.

    Quy trình đầu tiên được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi trong vòng chưa đầy 30 phút. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thu một mảnh sụn khớp nhỏ từ đầu gối bệnh nhân. Sinh thiết sụn này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để xử lý bằng enzyme nhằm phân lập các tế bào tiền thân tạo sụn. Đây là các tế bào sản xuất sụn của cơ thể. Sau đó, các tế bào tiền thân tạo sụn sẽ được nuôi tăng sinh về số lượng và gửi lại cho bác sĩ phẫu thuật khoảng 6 đến 8 tuần sau đó để cấy ghép.

    Quy trình thứ hai là phẫu thuật. Phẫu thuật là một quy trình mở, theo đó một miếng vá nhỏ được khâu trên vùng sụn khớp bị khiếm khuyết. Các tế bào sụn đã được phân lập và nuôi tăng sinh số lượng sau đó được tiêm bên dưới miếng vá này. Tại đây, chúng dính vào đầu gối bệnh nhân để tạo thành cái gọi là sụn giống như hyaline và giống như sụn khớp tự nhiên. Sau khi cấy ghép, bệnh nhân bị giới hạn một khoảng thời gian không được mang vách nặng trong tối đa 8 tuần. Trong thời gian này, việc vật lý trị liệu được áp dụng đối với hoạt động của đầu gối và các hoạt động tăng cường khác theo chỉ định.Bác sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng máy vận động thụ động liên tục (CPM) để cải thiện hiệu quả cấy ghép. Quay trở lại các hoạt động thể thao nhẹ thường được cho phép vào khoảng 6 tháng và trở lại các hoạt động thể thao đầy đủ trong khoảng từ 9 đến 12 tháng sau khi làm thủ thuật dựa trên sự phục hồi của bệnh nhân. Tỷ lệ thành công chung của ACI là khoảng 85% trong việc cho phép bệnh nhân quay trở lại các hoạt động mà không bị đau.

    ACI được khuyên dùng cho những bệnh nhân trẻ tuổi có triệu chứng đau khớp và sưng, liên quan đến tổn thương khớp sụn.

    Tại Việt Nam, chưa thấy có công bố nào về việc thực hiện liệu pháp này trong điều trị bệnh lý về sụn khớp.

    Nguồn:

    https://cartilage.org/patient/about-cartilage/cartilage-repair/autologous-chondrocyte-implantation-aci

    https://www.ortho.wustl.edu/content/Patient-Care/2888/Services/Sports-Medicine/Overview/Knee/Autologous-Chondrocyte-Implantation.aspx

    Phạm Vũ Tổng hợp và dịch

  • Công nghệ mới của SCI: Sản xuất dịch tiết từ tế bào gốc trung mô đạt tiêu chuẩn cho ứng dụng trên người

    Việc thu các chất tiết từ tế bào gốc trung mô để làm thuốc là một bước quan trọng trong quá trình sản xuất thuốc. Thế nhưng rào cản lớn nhất về kĩ thuật hiện tại đó là các chất tiết bị trộn lẫn trong môi trường nuôi tế bào gốc trung mô; nhưng môi trường nuôi cấy chúng không đạt các tiêu chuẩn để sử dụng trên người. Lần đầu tiên tại Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM nghiên cứu và sản xuất thành công môi trường nuôi cấy để thu nhận chất tiết từ tế bào gốc; quan trọng hơn là môi trường nuôi cấy được sản xuất theo công nghệ và tiêu chuẩn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của sản phẩm có thể sử dụng trên người.

    Tế bào gốc trung mô là một loại tế bào gốc có nhiều đặc tính đặc biệt. Khoảng 10 năm trở lại đây, tế bào gốc trung mô được sử dụng nhiều và trở thành loại tế bào gốc ứng dụng nhiều nhất trong những năm gần đây. Cơ chế trị liệu của chúng khá đa dạng; trong đó cơ chế tiết các chất để tác động lên tế bào và mô khác là một cơ chế được sử dụng rộng rãi trong điều trị. Ngày càng nhiều báo cáo cho thấy tế bào gốc trung mô sản xuất ra ngoài tế bào nhiều chất có hoạt tính kích thích tế bào gốc tự thân (nội sinh) của bệnh nhân tăng sinh, tự làm mới; ức chế quá trình xơ hoá; ức chế quá trình chết apoptosis. Việc thu các chất tiết từ tế bào gốc trung mô để làm thuốc là một bước quan trọng trong quá trình sản xuất thuốc. Thế nhưng rào cản lớn nhất về kĩ thuật hiện tại đó là các chất tiết bị trộn lẫn trong môi trường nuôi tế bào gốc trung mô; nhưng môi trường nuôi cấy chúng không đạt các tiêu chuẩn để sử dụng trên người. Lần đầu tiên tại Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM nghiên cứu và sản xuất thành công môi trường nuôi cấy để thu nhận chất tiết từ tế bào gốc; quan trọng hơn là môi trường nuôi cấy được sản xuất theo công nghệ và tiêu chuẩn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của sản phẩm có thể sử dụng trên người.

    Theo các báo cáo gần đây; tế bào gốc trung mô sau khi cấy ghép vào cơ thể có thể tạo nên các tác động điều trị nhờ vào 3 cơ chế chính:

    • (1) Chúng có thể di chuyển đến vị trí mô tổn thương, biệt hoá và thay thế các tế bào tổn thương
    • (2) Chúng có thể gây nên đáp ứng điều biến miễn dịch trên cơ thể nhận mà từ đó điều chỉnh đáp ứng miễn dịch
    • (3) Chúng có thể tiết ra các chất gây nên các tác động theo kiểu endocrine hay paracrine.
    Những đặc điểm nổi bật của công nghệ MSCCult MV.

    Hiện tại, một số sản phẩm từ tế bào gốc trung mô đã sử dụng một trong những cơ chế này để điều trị; trong đó việc sử dụng dịch tiết từ tế bào gốc trung mô có nhiều tiềm năng bởi lẽ nó là phương pháp không chứa tế bào nên dễ dàng sản xuất và sử dụng.

    Với các công nghệ hiện tại, các chất tiết từ tế bào gốc trung mô sẽ trộn lẫn trong môi trường nuôi tế bào; việc sử dụng cocktail này có nhiều hạn chế vì môi trường nuôi tế bào không đạt tiêu chuẩn sử dụng trên người.

    Để giải quyết vấn đề trên, Viện Tế bào gốc đã nghiên cứu phát triển môi trường nuôi cấy (tên thương mại MSCCult MV) là môi trường được sản xuất theo các tiêu chuẩn dược phẩm để sử dụng trên người.

    MSCCult MV có nhiều ưu điểm vượt trội để việc thu dịch tiết như:

    • Không chứa thành phần từ động vật
    • Kích thích tế bào tiết chất nhiều hơn ra môi trường
    • Bảo vệ các chất tiết không bị mất hoạt tính và phân huỷ
    • Dịch nuôi chứa chất tiết đạt tiêu chuẩn sử dụng trên người (với điều kiện tế bào gốc trung mô đạt tiêu chuẩn và quy trình sản xuất đạt chuẩn)

    Tế bào gốc trung mô tiết ra ngoài tế bào nhiều chất khác nhau có thể chia thành 3 nhóm chính:

    1. Các phân tử protein tự do, các peptide, các chất phân tử nhỏ
    2. Các túi tiết lớn (microvesicles)
    3. Các túi tiết nhỏ nanovesciles (exosome)

    Các phân tử protein tự do có thể là các yếu tố tăng tưởng như EGF, FGF… Trong khi đó các túi tiết chứa nhiều thành phần khác nhau kể cả các phân tử RNA. Những thành phần tiết này thực hiện nhiều vai trò sinh học quan trọng từ kích thích hình thành mạch máu mới, điều biến miễn dịch…

    Tin: P. KHCN & SHTT, SCI

  • STEM CELL SUMMER_chương trình khoa học hè thú vị cho học sinh sinh viên

    STEM CELL SUMMER_chương trình khoa học hè thú vị cho học sinh sinh viên

    Stem cell summer là chương trình hè thường niên do Chi Đoàn cán bộ trẻ PTN Tế Bào Gốc thuộc hai đơn vị là Viện Tế Bào Gốc và PTN NC&UD Tế Bào Gốc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM thực hiện. Chương trình gồm 2 hoạt động: stem cell summer scholl và stem cell summer tour.

    Stem cell summer 2019 _Kết nối và lan tỏa

    Stem cell summer ra đời với mục đích nhằm khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, định hướng ngành nghề cho các em học sinh từ các trường THPT và chuyên ngành cho các sinh viên từ các trường đại học trên khắp cả nước. Bên cạnh đó tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên tiếp xúc với những tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc và trải nghiệm thực sự công việc nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc.

    Với tinh thần đam mê khoa học và ham hỏi hỏi, chương trình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các bạn sinh viên khắp các trường đại học và cả các bạn học sinh từ trường THPT trên toàn quốc. Số lượng đăng kí tăng dần qua các năm đã chứng tỏ được ảnh hưởng của chương trình với cộng đồng.

    100 hồ sơ đăng kí cho Stem cell summer School (chỉ tiêu chỉ có 12 khóa sinh cho 6 nhóm nghiên cứu ) và hơn 200 lượt đăng kí cho stem cell summer tour. Nhằm tạo cơ hội cho các bạn được trải nghiệm khoa học, 24 khóa sinh đến từ nhiều trường đại học và trung học phổ thông như ĐH Y dược, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Quốc Tế, Khoa y ĐHQG, THPT Việt Anh, Phổ thông Năng khiếu…

    Các bạn học sinh – sinh viên trong chương trình được hướng dẫn quan sát tế bào

    Trong năm 2019, chương trình Stem cell summer với hơn 2 tuần diễn ra hoạt động (từ 15/7 đến 29/7/2019) đã có được những con số ấn tượng với gần 100 hồ sơ đăng kí cho Stem cell summer School (chỉ tiêu chỉ có 12 khóa sinh cho 6 nhóm nghiên cứu ) và hơn 200 lượt đăng kí cho stem cell summer tour. Nhằm tạo cơ hội cho các bạn được trải nghiệm khoa học, 24 khóa sinh đến từ nhiều trường đại học và trung học phổ thông như ĐH Y dược, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Quốc Tế, Khoa y ĐHQG, THPT Việt Anh, Phổ thông Năng khiếu… đã được tham gia học tập, nghiên cứu tại Viện Tế Bào Gốc suốt 2 tuần.

    Buổi tổng kết và ngoại khóa của chương trình đã chứng kiến sự trưởng thành của các bạn khóa sinh. Các bạn đã biết nuôi cấy tế bào, biết nhuộm mô, biết chăm sóc chuột, biết thụ tinh nhân tạo cho chuột… và hơn hết là biết yêu khoa học hơn 1 chút nữa.

    Buổi tổng kết và ngoại khóa của chương trình Stem Cell Summer School 2019 diễn ra trong không khí vui tươi, thân mật và kết nối giữa các khóa sinh
    Các bạn học sinh – sinh viên tham quan khu nghiên cứu và phát triển của Viện Tế Bào Gốc

    Stem cell summer tour cũng gặt hái được những thành công đáng kể với hơn 200 lượt đăng kí tham gia, 20 hướng dẫn viên là các thầy/cô của Viện và PTN tế bào gốc diễn ra trong 2 tuần liên tục. Ngoài ra, chương trình còn tiếp nhận 2 đoàn tham quan từ 2 trường THPT là trường THPT APU và trường THPT Vũng Tàu.

    Stem cell summer năm 2019 đã khép lại. Hi vọng rằng chương trình sẽ ngày càng lớn mạnh để có thể thắp lên nhiều ngọn lửa đam mê khoa học trong các bạn học sinh sinh viên

    P .Thông tin truyền thông

  • TỔNG KẾT SINH VIÊN NĂM HỌC 2018-2019

    Ngày 31.07.2019, tập thể sinh viên thuộc Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc đã tổ chức buổi tổng kết năm học 2018-2019. Đến dự buổi tổng kết có sự hiện diện của ThS. Phan Lữ Chính Nhân_ Phó viện trưởng Viện Tế Bào Gốc và các thầy/cô của Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc.

    Tập thể cán bộ, sinh viên Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc

    Buổi tổng kết nhằm đánh giá, báo cáo hoạt động của sinh viên trong năm học vừa qua, đặc biệt là các sinh viên năm 4 vừa hoàn thành xong khóa luận tốt nghiệp của mình tại Viện và PTN. Theo đó, trong năm học 2018-2019, Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc có 40 sinh viên, học viên cao học. Trong đó có 24 sinh viên vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, trở thành tân cử nhân khoa học. Sinh viên Nguyễn Sĩ Lương và Lê Thị Hằng đã đạt thành tích xuất sắc trong buổi báo cáo trước hội đồng Sinh học và Công nghệ sinh học.

    Đối với mình, thời gian ở lab là tuổi trẻ, là trưởng thành, là một màu sắc chủ đạo của cuộc sống, là hành trang mà mình chuẩn bị cho tương lai. Và chắc chắn rằng sẽ không bao giờ quên khoảng thời gian này.

    (Sinh viên Lê Minh Thuận _ nhóm Y học tái tạo cơ xương khớp)
    Sinh viên nhóm Y học tái tạo gan
    Sinh viên nhóm Hỗ trợ sinh sản
    Sinh viên nhóm Y học tái tạo Cơ Xương Khớp
    Sinh viên nhóm Sàng lọc ung thư gan

    Cảm ơn Viện Tế Bào Gốc_ ngôi nhà thân thương, ấm áp đã cho em nhiều kỉ niệm đẹp và chỉ dạy em những bài học quý giá_ tất cả sẽ theo em trên chặn đường sau này! Chúc cho Viện ngày một thành công và phát triển !

    (sinh viên Phạm Thị Thùy Linh_ nhóm tín hiệu tế bào ung thư)

    Tại buổi tổng kết, Các bạn sinh viên đã nhận được giấy chứng nhận học tập tại Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc. Cô Đào Thị Thanh Thủy, trưởng phòng Tổ chức hành chính và công tác sinh viên đã báo cáo tổng kết hoạt động. Thầy Phan Lữ Chính Nhân thay mặt Viện Tế Bào Gốc gửi đến các em những lời cảm ơn, những lời chúc vì đã đi cùng Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc trong hành trình sinh viên của mình. Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc mãi là nhà, là nơi luôn chào đón các bạn.

    Bên cạnh đó, buổi tổng kết đã trở nên thân mật, đầy cảm xúc bởi những tiết mục văn nghệ đến từ các nhóm nghiên cứu.

    Đại học chính là một cái ” thùng nhuộm lớn “. Mỗi người đều bị nhuộm thành những màu sắc không giống nhau. Nhưng chúng ta nhất định phải giữ được “màu sắc” vốn có của riêng mình.

    (Sinh viên nhóm Hỗ trợ sinh sản sưu tầm)

    Buổi tổng kết đã khép lại một hành trình, và chắc chắn rằng hành trình mới sẽ mở ra đầy tươi mới với các bạn. Hi vọng, Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc sẽ mãi là ngôi nhà thứ hai của các bạn

    Tin: P. Thông tin truyền thông
    Ảnh: Đức Phát, Ngọc Sương

  • Tạp chí Biomedical Research and Therapy tiếp tục nằm trong danh mục Emerging Sources Citation Index (Web of Science, Clarivate) và Scopus (Elsevier)

    Theo công bố của ClarivateElsevier, tạp chí Biomedical Research and Therapy do Biomedpress xuất bản hợp tác với Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM tiếp tục được duy trì trong danh sách tạp chí thuộc danh mục Emerging Sources Citation Index (ESCI) nằm trong cơ sở dữ liệu Web of Science của Clarivate và danh mục Scopus trong đợt xét tháng 5.2019. Đến nay, Biomedical Research and Therapy đã được chọn vào danh mục ESCI 4 năm (từ năm 2015) và Scopus 2 năm (từ năm 2018).

    Trên thực tế Tạp chí Biomedical Research and Therapy được chọn trong danh mục Scopus từ năm 2015; tuy nhiên đến năm 2017 tạp chí bị loại ra khỏi danh sách; và được chọn lại vào năm 2018.

    Biomedical Research and Therapy xuất bản lần đầu tiên vào năm 2014; do PGS.TS. Phạm Văn Phúc sáng lập hợp tác với NXB Springer-Nature. Đến năm 2015, tạp chí này bắt đầu xuất bản độc lập. Tạp chí này tập trung xuất bản các nghiên cứu dạng nguyên bản, tổng quan, báo cáo… về 2 chủ đề là sinh học và y học. Sau hơn 5 năm xuất bản, Tạp chí Biomedical Research and Therapy đã xuất bản hơn 500 bài báo. Tạp chí có hội đồng biên tập đa dạng từ hơn 10 quốc gia khác nhau như Việt Nam, Mĩ, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Malaysia, Trung Quốc, Canada… Nguồn tác giả của tạp chí cũng rất đa dạng, đến nay có hơn 20 quốc gia khác nhau nộp bài cho tạp chí như Việt Nam, Mĩ, Nhật, Nga, Trung Quốc, Iran, Iraq, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, Indonesia, Đức, Nigeria, Arap Saudi, Ukraine, Bangladesh…

    Tất cả các tác giả Việt Nam khi công bố trên tạp chí này sẽ được giảm 40% phí xuất bản, chỉ còn 90 USD/bài; các học viên và nghiên cứu sinh có thể được miễn 100% phí xuất bản nếu gửi yêu cầu miễn phí xuất bản đến toà soạn để xem xét tại email: support@bmrat.org hay managingeditor@bmrat.org

    Ngay từ khi thành lập Biomedical Research and Therapy đã thực hiện theo quy trình công bố chuẩn quốc tế theo hướng dẫn của Scopus, Web of Science và COPE, thực hiện phản biện peer-review nghiêm túc; hệ thống nộp bài chuyên nghiệp; hệ thống công bố trực tuyến chuyên nghiệp cùng với hệ thống chế bản hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tác giả và đọc giả.

    Ban lãnh đạo tạp chí tiếp tục nâng cao chất lượng trong thời gian tới để được chọn vào danh mục Science Citation Index Expanded và có Impact Factor sớm.

    Tất cả các tác giả Việt Nam khi công bố trên tạp chí này sẽ được giảm 40% phí xuất bản, chỉ còn 90 USD/bài; các học viên và nghiên cứu sinh có thể được miễn 100% phí xuất bản nếu gửi yêu cầu miễn phí xuất bản đến toà soạn để xem xét tại email: support@bmrat.org hay managingeditor@bmrat.org

    Trang chủ của Tạp chí: http://www.bmrat.org

    Theo danh sách các tạp chí thuộc Scopus của Elsevier công bố vào đợt này: chỉ có 2 đại diện là tạp chí xuất bản ở Việt Nam trong danh sách này là Biomedical Research and TherapyProgress in Stem Cell. Xem thêm tại: http://helppublish.org/tap-chi-scopus-updated-5-2019/ Hay: https://www.elsevier.com/solutions/scopus/how-scopus-works/content

    Tin Viện Tế bào gốc

  • STEM CELL INNOVATION LẦN 6-2019 VỚI PHIÊN BẢN MỚI

    Cuộc thi Stem Cell Innovation lần 6-2019 đã chính thức bắt đầu. Theo đó, cuộc thi sẽ diễn ra từ ngày 20/9/2019 đến 27/10/2019 trong sự tranh tài về cả kiến thức sinh học và ý tưởng tế bào gốc giữa các đội thi để giành lấy giải thưởng với tổng giá trị lên đến 150.000.000VNĐ

    Stem cell innovation là cuộc thi học thuật hằng năm do Viện Tế bào gốc và PTN nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đồng tổ chức. Cuộc thi nhằm tạo sân chơi học tập và nghiên cứu cho tất cả học sinh, sinh viên yêu thích lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, y học, dược học và nông nghiệp, các lĩnh vực có liên quan đến tế bào và tế bào gốc trên người và động vật, kích thích khả năng sáng tạo để giải quyết các vấn đề về sinh học ứng dụng và y dược đáp ứng các yêu cầu của xã hội.

    Đã trải qua 5 năm tổ chức, cuộc thi ngày càng chứng tỏ được mục đích đã đề ra ban đầu. Các học sinh, sinh viên trên toàn quốc, từ thủ đô Hà Nội đến những tỉnh miền trung như Huế, Đà Nẵng và các tỉnh phía nam đã cùng nhau quy tụ về Viện Tế bào gốc tại Linh Trung, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh để thi đấu đầy gây cấn và hấp dẫn.

    Chương trình ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm và đăng kí dự thi của nhiều đội thi đa dạng lứa tuổi từ THPT đến đại học nhưng có cùng niềm đam mê khoa học.

    Năm 2019, với tinh thần đó, Ban tổ chức đã chính thức khởi động cuộc thi lần thứ 6 nhằm tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo về tế bào gốc, những tinh thần đam mê nghiên cứu, miệt mài học hỏi và tìm hiểu khoa học, dám nghĩ và biết làm. Trong cuộc họp, BTC đã đưa ra các phương án về nhân sự, công tác chuẩn bị, kế hoạch, nội dung …của cuộc thi năm nay. Theo đó, hình thức của cuôc thi sẽ thay đổi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh. Thí sinh đăng kí dự thi trực tuyến qua website cuộc thi: www.stemcellinnovation.com.vn. Các ý tưởng sáng tạo xuất sắc sẽ đi thẳng vào vòng chung kết mà không cần phải thi vòng loại trực tiếp. Thời gian diễn ra cuộc thi sẽ bắt đầu từ ngày 5/8/2019 đến 27/10/2019.

    Cuộc thi sẽ diễn ra 3 vòng:

    – Vòng sơ loại (trắc nghiệm trực tuyến): Kiến thức chung về sinh học, tế bào gốc

    – Vòng loại (đối kháng trực tiếp): Kiến thức & ý tưởng tế bào gốc

    – Vòng chung kết (đối kháng trực tiếp): Sáng kiến tế bào gốc 

    Cơ cấu giải thưởng hấp dẫn, với nhiều giải thưởng phụ nhằm tạo cơ hội cho đội thi như sau:

    • Giải thưởng chính:
    • Giải nhất: 20.000.000 đ, kỉ niệm chương, giấy khen của Viện Tế Bào Gốc.
    • Giải nhì: 15.000.000 đ, và giấy khen của Viện Tế Bào Gốc.
    • Giải ba: 10.000.000 đ, và giấy khen của Viện Tế Bào Gốc.
    • Giải khuyến khích :5.000.000 đ, và giấy khen của Viện Tế Bào Gốc.
    • Tất cả các đội thi được vào vòng chung kết sẽ nhận được một khóa học tập và làm việc tại Viện Tế Bào Gốc.
    • Các đội thi vào chung kết sẽ có cơ hội được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện ý tưởng.
    • Giải phụ:
    • Đội cao điểm nhất vòng sơ loại: 1.000.000 đ
    • Đội có ý tưởng được yêu thích nhất: 1.000.000 đ
    • Rút thăm may mắn ở các vòng thi dành cho khán giả với tổng giải thưởng hơn 15.000.000 đ.

    Stem cell innovation quay trở lại với một phiên bản mới, một hành trình tìm kiếm ý tưởng mới lại bắt đầu. Với tinh thần đam mê nghiên cứu và yêu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực tế bào gốc, hi vọng rằng đây sẽ là mùa giải đáng nhớ trong các đội thi.

    BTC SCI2019

  • Sản phẩm Cartilatist liệu có đạt 8 triệu USD/năm không?

    Sản phẩm Cartilatist liệu có đạt 8 triệu USD/năm không?

    Ngày hôm qua, chúng tôi đọc bài viết được đăng tải trên trang koreabiomed.com về doanh thu của sản phẩm Cartistem – một sản phẩm thuốc tế bào gốc được nghiên cứu, sản xuất và đăng kí lưu hành tại Hàn Quốc bởi công ty Medipost từ năm 2012. Doanh thu hàng năm của sản phẩm này đã đạt khoảng 8 triệu USD (khoảng 184 tỉ đồng); và trong 6 tháng đầu năm 2019 đã bán được khoảng 7 triệu USD (khoảng 161 tỉ đồng), và dự kiến sẽ đạt khoảng 260 tỉ đồng trong năm 2019. Cartilatist là sản phẩm do Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM nghiên cứu. Công nghệ này đã hoàn thiện và đã chuyển giao cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh sản xuất và thương mại từ năm 2020. Sản phẩm Cartilatist (Việt Nam) có thể đạt được những bước tiến ngoạn mục như của Cartistem (Hàn Quốc) ? Dưới đây là bài phỏng vấn nhanh của chúng tôi với PGS.TS. Phạm Văn Phúc – người nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất Cartilatist.

    PV: Thưa ông, ông có thể cho biết sự khác nhau chính giữa 2 sản phẩm Cartilatist mà do nhóm của ông nghiên cứu và sẽ sản xuất tại công ty Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh sắp tới và sản phẩm Cartistem của Hàn Quốc?

    PGS.TS Phạm Văn Phúc trả lời:

    Cartilatist là tên sản phẩm thuốc tế bào gốc do chúng tôi nghiên cứu từ năm 2007 và hoàn thiện vào năm 2018. Cartistem là sản phẩm do công ty Medipost, Hàn Quốc sản xuất và lưu hành tại Hàn Quốc từ năm 2012.

    Hai sản phầm này dù có chỉ định điều trị giống nhau, đó là điều trị thoái hoá sụn khớp, nhưng chúng khác nhau lớn về công nghệ. Sự khác biệt lớn nhất là Cartistem, Hàn Quốc sử dụng tế bào gốc từ máu dây (cuống) rốn người; trong khi đó sản phẩm Cartilatist, Viện Tế bào gốc (Việt Nam) sử dụng tế bào gốc từ mô mỡ người.

    Hơn nữa, Cartilatist, Viện Tế bào gốc (Việt Nam) sở hữu công nghệ CryoSave giúp tế bào gốc có thể bảo quản dài hạn tế bào gốc trong điều kiện -86 0C. CryoSave II, III là dung dịch bảo quản chuyên dụng cho thuốc tế bào gốc do Viện Tế bào gốc nghiên cứu. Khác với các dung dịch bảo quản khác, CryoSave II và III sử dụng rất ít hay không sử dụng chất bảo quản (như DMSO, glycerol…) để bảo quản tế bào gốc; hơn nữa toàn bộ các chất sử dụng và sản xuất CryoSave theo tiêu chuẩn thuốc tiêm và truyền; do đó; sản phẩm Cartilatist có thể bảo quản thời gian dài và sử dụng trực tiếp mà không cần thêm bất kì thao tác nào để loại bỏ dung dịch bảo quản tế bào gốc.


    Cartilatist (Việt Nam) Cartistem (Hàn Quốc)
    Dạng sản phẩm Thuốc tế bào gốc/sinh phẩm Thuốc tế bào gốc/sinh phẩm
    Dạng cấy ghép Đồng loài (tế bào gốc của người này cấy sang người khác) Đồng loài (tế bào gốc của người này cấy sang người khác)
    Loại tế bào gốc Tế bào trung mô từ mô mỡ người Tế bào gốc trung mô từ máu cuống rốn người
    Tăng sinh in vitro Nuôi cấy tăng sinh in vitro Nuôi cấy tăng sinh in vitro
    Dạng thức sản phẩm Tế bào gốc chứa trong chai  Tế bào gốc chứa trong chai 
    Điều kiện bảo quản Bảo quản dài hạn tại -86 oC Bảo quản thời gian ngắn tại 4-20 oC
    Sử dụng  Sử dụng kết hợp với Sodium Hyaluronate, hay huyết thương giàu tiểu cầu  Sử dụng kết hợp với Sodium Hyaluronate
    Chỉ định Thoái hoá khớp và thoái hoá đĩa đệm cốt sống  Thoái hoá khớp 

    PV: Thưa PGS, Theo ý trên của PGS thì sản phẩm Cartilatist tốt hơn sản phẩm Cartistem?

    PGS. Phạm Văn Phúc:

    Đây là câu hỏi mà tôi chưa trả lời được. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm sẽ có những ưu thế riêng. Riêng sản phẩm Cartilatist do chúng tôi sản xuất; có lẽ khả năng bảo quản dài hạn của sản phẩm là một ưu thế quan trọng. Còn hiệu quả sử dụng của sản phẩm thì cần nghiên cứu đánh giá, so sánh khách quan và toàn diện mới có thể trả lời được.

    Quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm Cartilatist.

    PV: Thưa PGS, Theo ông sản phẩm Cartilatist tại thị trường Việt Nam có đạt 8 triệu USD/năm như sản phẩm Cartistem tại Hàn Quốc?

    PGS. Phạm Văn Phúc:

    Thoái hoá sụn khớp hay thoái hoá đĩa đệm cột sống là những bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Sự thành công của Cartistem, Hàn Quốc làm cho chúng tôi hi vọng nhiều hơn sự thành công của Cartilatist.

    Thật vậy, sự thành công của Cartistem, Hàn Quốc một lần nữa khẳng định tính an toàn và hiệu quả cuả điều trị thoái hoá khớp bằng thuốc tế bào gốc trung mô; và khẳng định nhu cầu của xã hội về điều trị bằng phương pháp này.

    Khi tìm trên google, tôi nhận thấy rằng Hàn Quốc có dân số chỉ hơn một nửa dân số của Việt Nam (khoảng hơn 50 triệu người). Như vậy, nếu tỉ lệ bệnh và nhu cầu điều trị của hai quốc gia giống nhau thì tôi hi vọng rằng sản phẩm Cartillatist có thể đạt những kết quả khả quan trong thời gian tới.

    Điều mà tôi quan tâm không phải là con số 8 tr USD hay 10 USD/năm mà là bao nhiêu người bệnh Việt Nam có thể hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu này. Giá trị thương mại của sản phẩm dù rất quan trọng nhưng có lẽ nó là công việc của Công ty TNHH Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh.

    Sản phẩm mẫu : Sản phẩm Cartilatist – mỗi lọ Cartilatist chứa 10 triệu tế bào gốc từ mô mỡ người, được bảo quản ở -86 oC.

    PV: Sau sản phẩm Cartilatist này, Viện Tế bào gốc có sản phẩm tế bào gốc nào khác để phục vụ người bệnh?

    PGS. Phạm Văn Phúc:

    Sản phẩm tiếp theo mà Viện Tế bào gốc đang hoàn thiện và mời gọi chuyển giao công nghệ là Modulatist. Modulatist là sản phẩm thuốc tế bào gốc dùng trong điều trị các bệnh lí hay điều kiện về miễn dịch như viêm mạn tính, bệnh tự miễn, mảnh ghép chống kí chủ, cấy ghép cơ quan… Sản phẩm này được tài trợ một phần bởi Ngân hàng Thế giới thông qua dự án FIRST (bộ KHCN) để hoàn thiện công nghệ.

    Xin cám ơn PGS.

    Nhóm PV SCI

  • Viện Tế bào gốc vinh dự đón tiếp Bộ Tư Lệnh Tp.HCM

    Chiều ngày 06/09/2019, trong chương trình làm việc với Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, Đại tá Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên thường vụ Thành uỷ Tp.HCM, Tư lệnh Bộ Tư Lệnh Tp.HCM đã đến thăm Viện Tế Bào Gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM.

    Hình. Đoàn Bộ Tư lệnh Tp.HCM chụp ảnh cùng Viện Trưởng.
    PGS.TS. Phạm Văn Phúc -Viện Trưởng Viện Tế bào gốc (mặc áo trắng có đeo thẻ đứng gần giữa); Đại tá Nguyễn Trường Thắng – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tp.HCM (bên phải Viện trưởng).

    Tại Viện Tế Bào Gốc, PGS.TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế Bào Gốc đã hân hạnh đón tiếp Đoàn. Đại diện Viện, Viện Trưởng đã giới thiệu các thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện trong thời gian qua, đặc biệt là các sản phẩm ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh như Cartilatist, Modulatist, Skinatist, các kit như 5PRP kit, Cool PRP kit, Cell Extraction kit… cùng với các dây chuyền công nghệ khác do Viện Tế Bào Gốc nghiên cứu và sản xuất.

    Đoàn làm việc của Bộ Tư Lệnh rất quan tâm đến những sản phẩm khoa học công nghệ của Viện Tế Bào Gốc. Viện Tế bào gốc hi vọng có thể mang những kết quả nghiên cứu khoa học của mình phục vụ cho Bộ Tư lệnh trong thời gian tới.

    Tin & Ảnh: Phòng TT-TT

  • Tế bào gốc: Chìa khóa của sự sống

    Tế bào gốc: Chìa khóa của sự sống

    Ghép tế bào gốc đang trở thành một trong những phương pháp điều trị bệnh đầy tiềm năng cho các bệnh lý thoái hoá, tổn thương hệ miễn dịch hay các tổn thương mất mô, cơ quan.


    Gần đây, thậm chí đã có những tiến bộ đột phá với những bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng để chữa thoái hóa mắt, hay tế bào gốc mang gene đột biến để chữa HIV. Tại Việt Nam, liệu pháp này cũng đang được quan tâm và ứng dụng ngày càng nhiều. Loạt bài dưới đây của các nhà nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc, ĐH KHTN TP Hồ Chí Minh lý giải cơ chế hoạt động và hiệu quả thực sự của quá trình các tế bào gốc được ghép và “sửa chữa” các tổn thương.


    Mỗi cơ thể động vật nói chung và con người nói riêng được tạo ra khi trứng của mẹ và tinh trùng của cha gặp nhau để tạo thành một tế bào gốc đầu tiên có tên gọi là hợp tử. Hợp tử là tế bào gốc đầu tiên của cơ thể và cũng là tế bào gốc lớn nhất trong các loại tế bào gốc.


    Hợp tử tiếp tục nhân lên về số lượng để tạo thành phôi rồi hình thành thai. Trong suốt quá trình phát triển của thai, bên cạnh việc tăng sinh về số lượng, cũng sẽ có một phần tế bào gốc biệt hóa để tạo các tế bào chuyên hóa về chức năng, trở thành các bộ phận khác nhau của cơ thể như tai, mắt, mũi, máu, thần kinh…. Trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển, cơ quan và cả cơ thể được tiếp tục hoàn thiện chức năng và kích thước thông qua nhiều cơ chế hoạt động của tế bào gốc.


    Tế bào gốc hoạt động theo các cơ chế khác nhau: (1) có thể một tế bào gốc nhân lên để thành hai tế bào gốc con giống hệt nhau và giống hệt tế bào gốc ban đầu. Hoạt động này nhằm duy trì số lượng và tạo nguồn dự trữ tế bào gốc trong cơ thể; (2) một tế bào gốc ban đầu nhân lên thành hai tế bào, trong đó có một tế bào gốc giống hệt tế bào mẹ ban đầu, một tế bào còn lại sẽ biệt hóa để trở thành tế bào chức năng; (3) tế bào gốc ban đầu sẽ biệt hóa để trở thành tế bào chức năng.


    Sự biệt hóa hay giữ nguyên tính gốc ban đầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự tương tác giữa tế bào với tế bào hay tế bào với môi trường bao quanh nó (bao gồm cả môi trường nội tại và môi trường bên ngoài cơ thể) có tác động đáng kể tới việc đóng mở các gene quy định số phận của tế bào. Chính nhờ đặc tính này mà tế bào gốc sẽ được huy động đến đúng vị trí tổn thương hay vị trí có tế bào lão hóa, tế bào chết để thay thế và bù đắp số lượng tế bào thiếu hụt.


    Ví dụ đơn giản nhất là quá trình tự phục hồi của cơ thể sau khi gặp các tổn thương như trầy xước da hay đứt tay hoặc các tổn thương lớn hơn như gẫy xương, chấn thương phần mềm. Khi tay bị đứt, vết đứt gây ra tổn thương cho các tế bào quanh như tế bào da, tế bào mạch máu… Sự tổn thương này sẽ tạo ra các tín hiệu để các yếu tố cận tiết và yếu tố tự tiết theo dòng máu đi tới hệ thần kinh trung ương, từ đây hệ thần kinh phát ra các tín hiệu báo hiệu cho cơ thể biết chính xác vị trí của vết thương. Khi đó, tế bào gốc tại vùng tổn thương hoặc tế bào gốc từ vùng lân cận và từ tủy xương sẽ được huy động và kích hoạt để làm nhiệm vụ theo một hoặc nhiều trong số các cơ chế đã nêu nhằm sửa chữa các tổn thương quanh vùng da bị đứt.


    Vậy làm sao để tế bào gốc biệt hóa thành chính tế bào thiếu hụt? Một trong những cách mà tế bào gốc làm được là do sự hỗ trợ của các tín hiệu (chất tiết, yếu tố được giải phóng từ quá trình tổn thương) quanh vùng mô tổn thương. Khi máu chảy, cùng với nhiều tác động khác, các tiểu cầu lập tức tập hợp lại quanh vùng mạch tổn thương để tham gia quá trình cầm máu. Chính sự tập kết tiểu cầu tạo thành các nút tiểu cầu và khi các nút tiểu cầu vỡ ra sẽ đồng thời giải phóng các yếu tố tăng trưởng từ tiểu cầu. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sinh tế bào gốc và biệt hoá chúng thành tế bào chức năng thay thế tế bào thiếu hụt.


    Định hướng biệt hóa thành tế bào chức năng cũng được chi phối bởi các tín hiệu do tế bào tổn thương phát ra và một số các yếu tố tổng hợp khác. Cơ chế sửa chữa tổn thương này cũng tương tự cho hầu hết các vùng mô khác trong cơ thể. Mức độ lành nhanh hay chậm của vết thương phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau như diện tích vùng tổn thương, đặc tính sinh học của từng cơ thể (cơ địa), mức độ hoạt động, giới tính hay tuổi tác… Trong đó, tuổi tác là một trong các yếu tố chính tác động đến tốc độ lành vết thương. Một em bé sơ sinh hay trẻ ở tuổi đang lớn sẽ có tốc độ lành thương nhanh hơn nhiều so với người lớn tuổi. Đó là do lượng tế bào gốc trong cơ thể trẻ nhiều hơn với lượng tế bào gốc ít bị lão hóa hơn so với người lớn. Điều này đã được đề cập trong rất nhiều nghiên cứu.


    Đặc tính rất quan trọng của tế bào gốc là chúng tự biết khi nào sẽ phải làm gì và làm thế nào cho đúng. Khác với tế bào ung thư, tế bào gốc tăng sinh với số lượng đủ để bù đắp cho số lượng tế bào đã lão hóa, tế bào tổn thương hay tế bào chết. Chúng chỉ hoạt động (tăng sinh và/hoặc biệt hóa) khi nhận được tín hiệu phù hợp. Tế bào gốc cũng chỉ tăng sinh và biệt hóa thành tế bào chức năng ở đúng vị trí thiếu hụt tế bào. Trong khi đó, tế bào ung thư có thể tăng sinh ở mọi cơ quan, mọi vị trí và tăng sinh vượt mức số lượng tế bào vốn có của cơ quan.


    Trong suốt cuộc đời, dù có hay không có các chấn thương cơ học thì tế bào gốc vẫn luôn hoạt động (để thay thế các tế bào lão hóa). Hoạt động của tế bào gốc đã tạo ra sự cân bằng về số lượng và chất lượng của các loại tế bào trong cơ thể. Nhờ đó mà hoạt động sống của cơ thể có thể diễn ra bình thường. Vì vậy, có thể nói tế bào gốc là chìa khóa quan trọng của sự sống.
    Dựa trên những hiểu biết về tác dụng của tế bào gốc trong cơ thể, các nhà khoa học đã tìm cách phân lập, nuôi cấy tăng sinh tế bào gốc trong phòng thí nghiệm để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Trong phòng thí nghiệm, tế bào gốc được định nghĩa là các tế bào có khả năng tăng sinh không giới hạn, có khả năng tự làm mới (tạo ra tế bào gốc mới giống hệt tế bào gốc ban đầu) và có khả năng biệt hóa để tạo thành tế bào có chức năng cụ thể. Hiện nay, nguồn tế bào gốc nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đang trở thành một sản phẩm y học quan trọng trong các ứng dụng của y học tái tạo.

    Phạm Vũ

    Nguồn: http://khoahocphattrien.vn

  • Cơ chế hoạt động của tế bào gốc trung mô trong điều trị bệnh

    Khi đến được vị trí tổn thương thì tế bào gốc trung mô sẽ thực hiện chức năng sửa chữa bằng các cách khác nhau như tiếp tục tăng sinh để cung cấp nguồn tế bào gốc cho sửa chữa tổn thương, tham gia biệt hóa trực tiếp thành tế bào chức năng, hoặc tiết ra các yếu tố giúp huy động tế bào nội sinh đến vị trí tổn thương.

    Sự di trú của tế bào gốc: Tại vị trí tổn thương, các yếu tố gây viêm được giải phóng sẽ kích hoạt tế bào nội mô mạch máu, biểu hiện các phân tử bề mặt cho sự bám dính và di cư của tế bào gốc. Đồng thời, tế bào gốc được huy động, tương tác với tế bào nội mô mạch máu để đi xuyên qua mạch máu, đến vị trí tổn thương để chữa lành.

    Cách ghép tế bào gốc trung mô


    Trước hết, làm sao để tế bào gốc đến được vị trí tổn thương? Có hai con đường chính để đưa tế bào gốc đến vùng tổn thương là ghép cục bộ và truyền tĩnh mạch.

    Đối với ghép cục bộ, tế bào gốc được tiêm trực tiếp vào vùng tổn thương. Đây là cách chủ động để kiểm soát được chắc chắn rằng tế bào gốc được đưa đúng đến vị trí mà bác sĩ mong muốn.
    Đối với con đường tiêm truyền qua tĩnh mạch, việc kiểm soát đường đi của tế bào phức tạp hơn. Thực tế, tại vị trí tổn thương, tế bào tổn thương và các tế bào xung quanh nó đã tiết ra các tín hiệu. Bản chất của các tín hiệu này là các yếu tố hòa tan trong máu, nó sẽ theo dòng máu đến khắp nơi trong cơ thể với thông tin phát ra báo hiệu rằng có tổn thương xảy ra tại một vị trí cụ thể trong cơ thể. Tùy vị trí tổn thương khác nhau mà các tín hiệu phát ra sẽ có những đặc trưng riêng và nhờ đó các tế bào gốc có thể nhận diện và đi đến được đúng vị trí. Bên cạnh khả năng tự có của cơ thể, bác sĩ cần phải can thiệp trước đó nhằm đưa tế bào đến đúng vị trí. Tế bào gốc được nhận tín hiệu sẽ bắt đầu quá trình hoạt hóa, di chuyển để đi đến vị trí tổn thương, tham gia chữa lành vết thương. Quá trình này được gọi là cư trú.
    Quá trình di chuyển phức tạp của tế bào gốc được điều phối bởi một lượng lớn các cytokine, phân tử bám dính và các yếu tố tăng trưởng cần thiết cho việc kiểm soát tốt sự tái sinh các mô chức năng một cách an toàn và hiệu quả. Cytokine là các protein hay glycoprotein không phải kháng thể được sản xuất và phóng thích bởi các tế bào bạch cầu viêm và một số tế bào khác không phải bạch cầu. Các protein này hoạt động trong vai trò là các chất trung gian điều hòa giữa các tế bào trong cơ thể. Cytokine giúp tế bào “sống sót”, tham gia vào rất nhiều quá trình sinh học trong cơ thể như tạo phôi, sinh sản, tạo máu, đáp ứng miễn dịch, viêm.


    Khả năng sửa chữa tổn thương
    Các tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cell – MSC) là các tế bào gốc đa tiềm năng, có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của mô bao gồm nguyên bào xương, nguyên bào sụn, tế bào cơ, tế bào mỡ,… Khi đến được vị trí tổn thương thì các MSC sẽ thực hiện chức năng sửa chữa bằng các cách khác nhau như tiếp tục tăng sinh để cung cấp nguồn tế bào gốc cho sửa chữa tổn thương, tham gia biệt hóa trực tiếp thành tế bào chức năng, hoặc tiết ra các yếu tố giúp huy động tế bào nội sinh đến vị trí tổn thương như đã đề cập ở trên.

    Khả năng biệt hóa của tế bào gốc trung mô thành các tế bào khác.
    Sau khi MSC đi tới các vùng mô bị tổn thương, chúng tương tác chặt chẽ với các kích thích tại chỗ, như các cytokine viêm, các phối tử (ligand) của Toll-like receptor (TLRs) và sự giảm oxy. Các yếu tố này có thể kích thích MSC sản xuất một số lượng lớn các yếu tố tăng trưởng để thực hiện nhiều chức năng cho sự tái sinh mô. Nhiều yếu tố là chất trung gian quan trọng trong sự hình thành mạch và ngăn ngừa quá trình chết theo chương trình của tế bào, ví dụ yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu VEGF, yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1), yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi cơ bản (bFGF), yếu tố tăng trưởng tế bào gan (HGF), IL-6 và CCL-2.
    Ngoài ra, các MSC có đặc tính lẩn tránh miễn dịch nên có tiềm năng ứng dụng lâm sàng lớn, đặc biệt đối với bệnh mảnh ghép chống vật chủ (graft-versus-host disease – GVHD).
    MSC được chứng minh có hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh miễn dịch ở người. Cơ chế suy giảm miễn dịch do viêm là cơ sở cho việc thiết kế các mô hình ứng dụng lâm sàng của MSC. Đầu tiên, lựa chọn thời điểm tối ưu cho việc ghép MSC dựa trên cấp độ và tỷ lệ tiết cytokine khác nhau trong suốt tiến trình phát triển bệnh ở cơ thể người bệnh. Thứ hai, sử dụng cytokine để cảm ứng tế bào trước khi ghép hoặc bổ sung cytokine trước khi ghép có thể được ứng dụng để cải thiện hiệu quả điều trị của MSC. Thứ ba, hiệu quả điều trị của MSC phụ thuộc vào bản chất của các bệnh khác nhau do môi trường viêm khác nhau. Ngay cả đối với một bệnh cụ thể, sự đa dạng của vi môi trường trong các mô khác nhau cũng có thể tạo ra tác dụng chữa bệnh khác nhau của MSC. Hơn nữa cơ chế chính xác của MSC trong cơ thể có thể phức tạp hơn so với những thông tin thu nhận được ở mức in vitro. Do đó, việc xác định cơ chế chính xác sẽ giúp phát triển các phác đồ tốt hơn cho việc ứng dụng lâm sàng sử dụng MSC.
    Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tiềm năng của MSC giảm dần theo tuổi người hiến tế bào và thời gian nuôi cấy, do đó Hiệp hội Quốc tế về Liệu pháp Tế bào khuyến cáo chỉ nên sử dụng MSC mới tách từ những bệnh nhân trẻ tuổi, không nên sử dụng tế bào từ người cao tuổi, tế bào đã qua nuôi cấy hoặc bảo quản lạnh (tế bào đã qua nuôi cấy hoặc bảo quản lạnh sẽ tăng khả năng chuyển thành dạng ác tính, có khả năng tạo u cao). Nhìn chung, các thử nghiệm trên đã cho thấy tính an toàn cao của MSC khi sử dụng, đồng thời bệnh nhân phần nào cải thiện được tình trạng bệnh.


    Ứng dụng trong chữa bệnh
    Trên mô hình thí nghiệm động vật, MSC đã được chứng minh có khả năng làm giảm sự tiến triển của nhiều bệnh mạn tính như các bệnh thoái hóa thần kinh (bệnh Alzheimer, Parkinson), các bệnh tự miễn (viên khớp dạng thấp, tiểu đường typ I), các bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim)…
    Ở người, trong khoảng 20 năm trở lại đây, số lượng các thử nghiệm lâm sàng và chữa trị sử dụng MSC đã tăng vượt bậc. Những bệnh được quan tâm nhiều nhất bao gồm các bệnh tim mạch, các bệnh tự miễn, viêm xương khớp, gan, rối loạn hô hấp…
    Ở Việt Nam, các nghiên cứu về tế bào gốc đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng thời gian đầu chủ yếu tập trung vào tế bào gốc tạo máu. Gần đây đã có nhiều nghiên cứu sâu hơn về MSC, một số nhóm nghiên cứu đã đạt được những thành công nhất định như Viện Tế bào gốc, ĐH KHTN TP. HCM, Bệnh viện Nhi Trung ương,… Các nhóm này đã phân lập được MSC từ nhiều nguồn khác nhau (tủy xương, mô mỡ, máu cuống rốn, tĩnh mạch dây rốn,…) với độ tinh khiết cao, đồng thời biệt hóa được MSC thành nhiều dạng tế bào khác nhau như tế bào tạo xương, cơ tim, tế bào beta tuyến tụy,… Một số bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD, thoái hóa khớp gối, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, đái tháo đường type 1 đã được chữa trị bằng liệu pháp tế bào gốc ở một số bệnh viện và thu được kết quả khả quan.

    TS Vũ Bích Ngọc

    Nguồn: http://khoahocphattrien.vn