Liệu pháp tế bào miễn dịch là một dạng điều trị mà sử dụng tế bào miễn dịch của hệ miễn dịch để tấn công loại bỏ tế bào ung thư. Các chiến lược này liên quan đến việc thu nhận máu ngoại vi để tách lấy tế bào miễn dịch và sau đó trải qua quá trình tăng sinh chúng trong phòng thí nghiệm, hay có thể biến đổi chúng để tăng cường khả năng tấn công tế bào ung thư trước khi tăng sinh. Điều này được tiến hành là vì vốn dĩ tế bào miễn dịch có đặc tính nhận diện và loại bỏ các tế bào bị tổn thương, bị nhiễm virut… mà có thể trở thành tế bào ung thư. Trong số các tế bào miễn dịch có thể thực hiện chức năng này, tế bào lympho T và tế bào diệt tự nhiên NK là 2 tế bào được quan tâm nhiều nhất.
Các tế bào lympho T là những tế bào miễn dịch mạnh mẽ, chúng có thể nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư thông qua việc nhận diện các dấu hiệu của tế bào ung thư. Tuy nhiên, không phải ở tất cả bệnh nhận, các tế bào T đều có thể nhận diện tế bào ung thư. Do đó, trong thời gian gần đây, nhiều cách tiếp cận đã theo hướng sử dụng tế bào T biến đổi để nhận diện tế bào ung thư thông qua việc gắn thêm receptor trên bề mặt (gọi khảm receptor hay receptor kháng nguyên khảm – CAR). Ở cách tiếp cận này, các tế bào T sẽ được thu nhận từ bệnh nhân, sau đó được chuyển gen và biểu hiện gen cho receptor lên bề mặt tế bào. Việc làm này giúp tế bào T dễ dàng nhận diện tế bào ung thư. Bằng cách này hàng loạt các quy trình kĩ thuật điều trị ung thư đã được cấp phép ở Mĩ và một số quốc gia khác như bên dưới:
- Axicabtagene ciloleucel (Yescarta®): khảm CD19, điều trị lymphoma
- Brexucabtagene autoleucel (Tecartus™): khảm CD19, điều trị lymphoma và leukemia
- Ciltacabtagene autoleucel (Carvykti™): khảm BCMA điều trị myeloma
- Idecabtagene vicleucel (Abecma™): khảm BCMA điều trị myeloma
- Lisocabtagene maraleucel (Breyanzi®): khảm CD19 điều trị lymphoma
- Tisagenlecleucel (Kyrmriah®): khảm CD19, điều trị lymphoma và leukemia
Tuy nhiên, việc điều trị bằng CAR-T còn nhiều hạn chế như chi phí điều trị cao (từ 7 tỉ đồng đến 25 tỉ đồng cho một liệu trình (tại Mĩ)) và tác dụng phụ của điều trị lớn. Do đó, các nhà khoa học vẫn phải tìm kiếm các liệu pháp tế bào khả thi hơn trong điều trị và hỗ trợ điều trị ung thư.
Trong cơ thể người có một số loại tế bào miễn dịch khác vẫn có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư mạnh mẽ nhưng tồn tại lượng rất thấp (một số là rất hiếm) là tế bào diệt tự nhiên NK, tế bào diệt tự nhiên có đặc tính tế bào T (NKT) và tế bào T gamma delta. Những tế bào này nếu được phân tách và tăng sinh lượng lớn thành công, chúng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư. Đã có hàng nghìn nghiên cứu đã xuất bản về việc nghiên cứu các tế bào này từ cơ chế điều trị, đến hiệu quả điều trị in vitro, trên động vật và trên người từ khắp nơi trên thế giới.
Mặc dù triển vọng lớn, các liệu pháp tế bào miễn dịch NK, NKT/CIK, Gamma delta T vẫn gặp những thách thức lớn trước khi thực sự trở thành liệu pháp được chọn lựa để hỗ trợ điều trị và điều trị cho bệnh nhân ung thư bao gồm: (1) chi phí điều trị cao, (2) hiệu quả điều trị ít ổn định.
Để giải quyết những thách thức lớn trên, Viện Tế bào gốc đã phát triển các giải pháp toàn diện cho liệu pháp tế bào miễn dịch trong hỗ trợ điều trị và điều trị ung thư từ việc phân tách tế bào miễn dịch từ máu ngoại vi đến tăng sinh và hoạt hóa tế bào. Viện đã phát triển thành công 4 quy trình công nghệ để có thể phân lập và tăng sinh tế bào miễn dịch gồm: quy trình phân lập tăng sinh tế bào NK, quy trình phân lập, cảm ứng và tăng sinh tế bào CIK, quy trình phân lập, tăng sinh và hoạt hóa tế bào gamma delta T và quy trình phân lập, cảm ứng tế bào tua (dendritic cell).
Các quy trình được tối giản các bước, dễ tái lập, dễ thực hiện, thu hoạch sản lượng tế bào cực lớn (đến hàng tỉ tế bào), hoạt lực tế bào mạnh mẽ. Quy trình không sử dụng bất kì protein từ động vật nào cho nên đáp ứng tốt các yêu cầu khắc khe cho chế phẩm sinh học sử dụng trên người.
Viện Tế bào gốc mời gọi các bạn có quan tâm đến công nghệ tế bào miễn dịch phục vụ cho lâm sàng đến trao đổi trực tiếp với đội ngũ chuyên gia sản phẩm của chúng tôi tại Booth B163, Trung tâm Triển lãm SECC, Quận 7, Tp.HCM từ ngày hôm nay (4/8/2023) đến hết ngày mai (5/8/2023); hoặc liên hệ trực tiếp tới Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM, khu phố 6, Linh Trung, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh qua email: contact@sci.edu.vn