Chip Sinh học (Biochip) là một thiết bị nhỏ gọn sử dụng để thực hiện các phân tích sinh học, sinh hóa hay hóa học trên cơ sở bắt giữ và phát hiện các phân tử sinh học như DNA, RNA và protein cũng như tế bào. Biochip sử dụng trong giám sát, theo dõi và chẩn đoán bệnh. Ngoài ra Biochip còn là công cụ hiệu quả sử dụng trong các nghiên cứu, đánh giá các chỉ số sinh hóa, sinh lý và tế bào học. Nhằm phát triển các sản phẩm trên nền tảng các công nghệ của tế bào và tế bào gốc của Viện Tế bào gốc, Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM thành lập nhóm nghiên cứu về chip sinh học (Biochip).
Mục tiêu của nhóm này là áp dụng nguyên lý của vi chất lỏng (microfluidic), hệ thống vi cơ điện (Microelectromechanical systems), công nghệ sinh học và công nghệ nano vào sinh học để nghiên cứu và chế tạo các thiết bị y sinh học trong xét nghiệm, chẩn đoán và sản xuất liên quan đến tế bào và tế bào gốc.
Nhóm Biochip do Tiến sĩ Dương Duy Dương làm trưởng nhóm. Từ năm 2018, ông thực hiện nghiên cứu về nano sinh học tại Viện Nghiên cứu Nano Sinh học tại Trường Đại học Gachon, Hàn Quốc. Năm 2022, ông tốt nghiệp tiến sĩ. Hiện nay, ông đang công tác tại Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.
Phòng TTTT&TCSK, Viện Tế bào gốc