Headlines:
Nghiên cứu trên động vật có giá trị lớn trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, tác động của thuốc, dược chất, tế bào … hay phương pháp điều trị lên động vật; mà từ đó dự đoán các tác động của chúng lên người. Do đó, theo thông lệ trong nghiên cứu y sinh, việc thử nghiệm trên động vật là một bước quan trọng trước khi những ứng viên dùng trong điều trị, chăm sóc sức khỏe kể cả làm đẹp được sử dụng trên người. Để có thể có những kết quả, thông tin thu thập được chính xác, động vật sử dụng phải đạt những tiêu chuẩn nhất định tùy theo từng nghiên cứu. Trước nhu cầu đó, Viện Tế bào gốc đã thành lập PTN Chăm sóc và Sử dụng động vật (Laboratory of Animal Care and Use – LACU) từ năm 2018 nhằm cung cấp động vật thí nghiệm cho các nghiên cứu của Viện và ngoài Viện. Đến nay, PTN LACU đã trở thành địa chỉ cung cấp động vật tin cậy cho các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam.
Thí nghiệm trên động vật, cho đến hiện tại vẫn được xem là phương pháp cần thiết để thử nghiệm tác động thuốc, phát triển phương pháp điều trị và đánh giá độ an toàn trước khi sử dụng trực tiếp trên người. Trong thập kỷ qua, các thí nghiệm cận lâm sàng tại Việt Nam đang ngày càng được quan tâm. Ngoài các đơn vị có truyền thống lâu đời trong nghiên cứu trên động vật, rất nhiều đơn vị, phòng thí nghiệm trong lĩnh vực y sinh học đang đã chủ động mở rộng phạm vi nghiên cứu sang mảng cận lâm sàng, nhằm đẩy nhanh việc thử nghiệm điều trị các liệu pháp mới hay thuốc mới.
Kể từ khi thành lập Viện Tế bào gốc, ngoài việc phát triển công nghệ và sản phẩm thương mại, việc xây dựng và phát triển mảng thử nghiệm cận lâm sàng luôn được Ban lãnh đạo quan tâm. Do vậy năm 2018, Viện đã cho ra đời PTN Chăm sóc và Sử dụng Động vật (Laboratory of Animal Care and Use _LACU).
LACU là một trong các đơn vị chuyên môn của Viện Tế bào gốc, được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu trên động vật hơn 10 năm của PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc và sau này là Viện Tế bào gốc. Trải qua hơn 2 năm thành lập, LACU đang ngày càng khẳng định vị thế của mình và trở thành địa chỉ cung ứng động vật thí nghiệm uy tín.
LACU không chỉ là PTN nghiên cứu động vật mà còn là nơi phát triển nguồn giống thuần chủng
Hơn 95% thử nghiệm trên động vật đang được tiến hành trên chuột. Chuột được sử dụng rất rộng rãi trong các nghiên cứu từ tạo mô hình đến thử nghiệm. Việt Nam là quốc gia có khí hậu cận nhiệt đới, môi trường lý tưởng để phát triển của chuột nhưng nguồn chuột sẵn có tại Việt Nam thường không đạt chuẩn cho nghiên cứu. Chuột được sử dụng trong các thí nghiệm phải đồng nhất về mặt di truyền, nhằm làm cho kết quả của các thử nghiệm có tính nhất quán. Hay hiểu theo một cách khác, chuột được sử dụng trong các thí nghiệm phải thuần chủng (inbred).
Chủng chuột thuần chủng tại Việt Nam đại đa số đều được nhập khẩu với chi phí cao và thời gian vận chuyển kéo dài. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập hiện tại, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và công bố, rất nhiều đơn vị và phòng thí nghiệm đều đang quan tâm đến các chủng chuột thuần chủng trong nghiên cứu của mình. Đón đầu xu thế trên, nhằm tự chủ nguồn chuột thuần chủng, LACU đã tiến hành nhập và tăng sinh đàn chuột thuần tại Việt Nam. Trong đó, hai chủng chuột đang được thử nghiệm đầu tiên là chuột nhắt Balb/C và chuột cống Wistar. Có thể, LACU không phải là đơn vị đầu tiên nhập và nhân giống thành công hai chủng này tại Việt Nam, nhưng LACU tự hào là đơn vị cho sinh sản và cung ứng lượng chuột thuần chủng với số lượng lớn, từ 1500-2000 con/năm, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tại Viện và cung ứng bên ngoài
Ngoài đẩy mạnh chuyên môn trong nghiên cứu cận lâm sàng, việc phát triển nguồn giống thuần chủng là một trong các mục tiêu quan trọng trong năm năm tới của PTN. Động vật nói chung, chuột nói riêng, là tiêu chí tiên quyết trong nghiên cứu cận lâm sàng. Việc đạt chuẩn động vật sẽ là nền tảng cho các thử nghiệm đạt chuẩn.
Từ những cặp chuột đầu tiên đến trên 200 cặp chuột giống
Trong chỉ vỏn vẹn 2 năm, với 3 cặp chuột đầu tiên, hiện tại LACU đã có trên 200 cặp chuột giống sinh sản. Có thể nói, việc cho sinh sản trên các chủng chuột thuần gặp nhiều trở ngại. Do khác nhau về thời tiết khí hậu nơi xuất xứ và Việt Nam, mà việc ổn định lại trạng thái sinh lý chuột đòi hỏi nhiều nỗ lực trong cách chăm sóc và theo dõi. Ngoài ra, do đặc điểm thuần chủng (cận huyết) nên khả năng sinh sản của những chủng chuột này cũng là một giới hạn đáng lưu ý. Nếu như chủng chuột nhắt Việt Nam đẻ 9-12 con/lứa, thì ở các chủng chuột thuần chỉ đẻ được 1-4 con/lứa và còn có xu hướng bỏ con. Điều này gây trở ngại rất lớn cho việc nhân giống số lượng nhiều.
Với trách nhiệm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tại Viện và cung ứng cho các đối tác bên ngoài ngày càng tăng, trong tương lai con số 200 cặp sẽ tiếp tục được nâng cao. Được sự quan tâm từ Ban lãnh đạo Viện Tế bào gốc, LACU dần mở rộng khu nuôi và cải thiện môi trường nuôi đạt chuẩn cho cả động vật và người thao tác.
Nâng cao số lượng song song với chất lượng, dần trở thành nơi cung ứng đáng tin cậy
PTN LACU luôn cố gắng tăng cao số lượng chuột để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài Viện. Nếu như cách đây 5 năm, việc công bố dùng chuột Balb/C trong nghiên cứu là điều khó tiếp cận, thì hiện tại, tất cả các nghiên cứu trên động vật tại Viện, đều đang sử dụng các giống thuần.
Ngoài Viện tế bào gốc, rất nhiều đơn vị đang tin tưởng sử dụng nguồn chuột của LACU như là nguồn chuột an toàn và thuần chủng.
LACU là một trong các đơn vị chuyên môn đang từng bước hoàn thiện của Viện Tế bào gốc. Cùng với sự phát triển của Viện, LACU tin tưởng sẽ không ngừng phát triển và trở thành một trong các phòng thí nghiệm lớn vững về chuyên môn, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn và mạnh về cung ứng, không chỉ là động vật mà còn là các thí nghiệm (dịch vụ) trên động vật.
Bùi Nguyễn Tú Anh – Trưởng PTN Chăm sóc và Sử dụng Động vật
Leave a Reply