Lãnh đạo Đại học Huế tham quan Viện Tế bào gốc

Chiều ngày 17/8/2023, đoàn làm việc của Đại học Huế do PGS.TS Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế làm trưởng đoàn đến tham quan Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM trong khuôn khổ buổi làm việc với Đại học Quốc gia Tp.HCM.

Tại buổi tham quan, Đoàn đã được PGS. TS Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện  Tế bào gốc trình bày giới thiệu về quá trình xây dựng, hoạt động và những kết quả nổi bật của Viện trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ về tế bào gốc và tế bào miễn dịch.

Ảnh 1: PGS.TS Phạm Văn Phúc (ở giữa, cầm sản phẩm) giới thiệu về công trình nghiên cứu phát triển sản phẩm Cartilatist để ứng dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối và thoái hóa đĩa đệm cột sống

Viện Tế bào gốc tập trung phát triển 4 nhãn hàng chính bao gồm Regenmedlab (Vật tư y tế), Cellatist (Thuốc tế bào gốc), Dermaloka (Mĩ phẩm), Stemfood (Thực phẩm chức năng). Trong đó Regenmedlab là nhãn hàng có nhiều sản phẩm chủ lực đã được đăng kí lưu hành ở thị trường Việt Nam như sản phẩm môi trường nuôi cấy tế bào gốc, môi trường bảo quản tế bào gốc, môi trường biến đổi tế bào gốc và bộ dung cụ phân tách huyết tương giàu tiểu cầu.

Ảnh 2: Đoàn làm việc của Đại học Huế được PGS.TS. Phạm Văn Phúc giới thiệu về nhãn hàng Regenmedlab của Viện Tế bào gốc.

Trong buổi tham quan, PGS.TS Phạm Văn Phúc cũng chia sẻ về quá trình đi từ nghiên cứu đến thử nghiệm lâm sàng và thương mại sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm của Đoàn tham quan. Theo PGS. TS Phúc, để đạt được những thành tựu nổi bật trong quá trình thương mại sản phẩm cần đảm bảo nhiều yếu tố nhưng quan trọng phải đảm bảo 3 yếu tố chính, bao gồm: (1) đúng pháp luật hiện hành, (2) sự đột phá đổi mới sáng tạo của sản phẩm và (3) nắm vững về sở hữu trí tuệ.

Hình 3: Đoàn làm việc Đại học Huế chụp ảnh lưu niệm tại Viện Tế bào gốc.

Tin và ảnh: Phòng TTTT&TCSK